CPI tháng Sáu tăng 0,27% chủ yếu do giá thực phẩm và giá điện đi lên

So với cùng kỳ năm 2022, CPI có xu hướng giảm, cụ thể tháng Một tăng cao nhất 4,89%, tháng Hai tăng 4,31%, tháng Ba tăng 3,35%, tháng Tư tăng 2,81%, tháng Năm tăng 2,43% và tháng Sáu tăng 2%.

CPI bình quân 6 tháng đã tăng 3,29% so với cùng kỳ và lạm phát cơ bản tăng 4,74%. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng 0,27% so với tháng Năm, tăng 0,67% so với tháng 12/2022 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu từ thực tế giá thực phẩm ‘leo thang’ và giá điện sinh hoạt tăng bởi thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, CPI bình quân 6 tháng đã tăng 3,29% so với cùng kỳ và lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Đây là thông tin được bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết tại cuộc họp báo ngày 29/6.

CPI so với cùng kỳ giảm dần

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê chỉ ra chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm 2022 đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,89%, tháng Hai tăng 4,31%, tháng Ba tăng 3,35%, tháng Tư tăng 2,81%, tháng Năm tăng 2,43% và tháng Sáu mức tăng 2%.

Theo bà Oanh, nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới. Theo đó, chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước cũng liên tục giảm, cụ thể trong tháng Hai giảm 0,2% và đến tháng Sáu giảm mạnh 12%.

[GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72% nhờ đóng góp lớn từ khu vực dịch vụ]

Báo cáo cho biết trong 6 tháng, giá hàng hóa nhìn chung chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế đang suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá sản xuất dịch vụ 6 tháng có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong nước, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, giá tăng-giảm đan xen. Cụ thể, chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá sản xuất dịch vụ 6 tháng có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi, chỉ số giá sản xuất công nghiệp, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo xu hướng giảm.

Cụ thể, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 5,42% và chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,24% so với cùng kỳ năm trước.

Không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao

Trong 6 tháng, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố kinh tế, chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột quân sự Nga-Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước và tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Do đó với mức tăng 2% so với cùng kỳ, báo cáo của Tổng cục Thống kê nhấn mạnh Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao.

Báo cáo cho hay lạm phát của khu vực đồng euro trong tháng Năm tăng 6,1%, lạm phát của Mỹ tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước. Tại châu Á, lạm phát của Trung Quốc tăng 0,2%, Thái Lan tăng 0,53%, Hàn Quốc tăng 3,3%, Indonesia tăng 4,0%; Philipine tăng 6,1% và Lào tăng 38,9%.

Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Oanh chỉ ra một số nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu trong 6, như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) sau cuộc họp ngày 2/4 tiếp tục cắt giảm sản lượng khoảng 1,66 triệu thùng/ngày tương đương hơn 3,7% nhu cầu thế giới. Bên cạnh đó là lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu đối với sản phẩm dầu và các nhiên liệu tinh chế của Nga. Thêm vào đó, tâm lý lo ngại lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Mặt khác, Trung Quốc gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh, tăng đầu tư công và triển vọng tiêu thụ dầu tại quốc gia này đang tăng.

Trong nước, bà Oanh cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, thị trường ngoại hối ổn định, giải ngân đầu tư công được thúc đẩy. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản từng bước được tháo gỡ sẽ sớm ổn định lại. Trên bình diện đó, an sinh xã hội được đảm bảo. Nhờ vậy, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)