COP29: Công bố đề xuất dự thảo thỏa thuận tài chính mới

Tổng thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên tham dự nỗ lực lớn để đạt được thỏa thuận, đồng thời cảnh báo rằng "thất bại (việc không đạt được thỏa thuận tại COP29) không phải là một lựa chọn."

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan ngày 12/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/11, Azerbaijan-nước giữ vai trò Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), đã công bố đề xuất dự thảo thỏa thuận tài chính mới, trong đó các quốc gia phát triển đi đầu ủng hộ 250 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035.

Dự thảo trên cũng đặt ra mục tiêu rộng lớn hơn đó là huy động được 1.300 tỷ USD từ nay đến năm 2035, trong đó có khoản ủng hộ từ tất cả các nguồn công - tư.

Trước đó cùng ngày, nước Chủ tịch COP29 đã kêu gọi các quốc gia tham dự hội nghị thu hẹp bất đồng và đưa ra một thỏa thuận về tài chính khi các cuộc đàm phán tại sự kiện kéo 2 tuần đang bước vào những giờ phút cuối cùng.

Azerbaijan cũng nhấn mạnh khuyến khích tiếp tục hợp tác trong và giữa các bên, các nhóm để nêu ra những đề xuất bắc cầu. Họ hy vọng rằng với những nỗ lực như vậy, các bên có thể đạt được thỏa thuận vào cuối ngày.

Các nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự COP29 tại thành phố Baku lần này được kỳ vọng sẽ thống nhất một kế hoạch toàn diện, trong đó các quốc gia giàu sẽ quyên góp hàng trăm tỷ USD để giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với những tác động ngày càng trầm trọng khi Trái Đất ấm lên do biến đổi khí hậu. Các Hội nghị COP trước đây thường kéo dài thời gian thảo luận hơn dự kiến.

Tới Baku vào ngày 21/11 sau khi rời Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro (Brazil), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên tham dự nỗ lực lớn để đạt được thỏa thuận, đồng thời cảnh báo rằng "thất bại (việc không đạt được thỏa thuận tại COP29) không phải là một lựa chọn."

Theo các nhà kinh tế, các nước đang phát triển cần ít nhất 1.000 tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ này, nhưng cho đến nay các quốc gia giàu vẫn đang phản đối ủng hộ số tiền lớn như vậy.

Các cuộc đàm phán cũng bị phủ bóng do sự không chắc chắn về vai trò của Mỹ, quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng./.