Công ty Việt Nam tại Lào gắn kết tình hữu nghị hai đất nước

Trong những thập kỷ qua, các dự án của Việt Nam không chỉ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương tại Lào, mà còn giúp phát triển cơ sở hạ tầng và làm tốt công tác an sinh xã hội.

Quang cảnh một phần lớp học ở Trường Tiểu học Hindam, thuộc khu tái định cư Houydoum tại huyện Sanxai, tỉnh Attapeu, Nam Lào do Công ty Trách nhiệm hữu hạnXekamane 1 xây dựng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Việt Nam là một trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Lào với tổng vốn đầu tư khoảng 5,34 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực gồm tài chính-ngân hàng, năng lượng, viễn thông, cũng như nông-lâm nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa.

238 dự án đã và đang được triển khai tốt phát huy hiệu quả rệt, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào và cải thiện đời sống của người dân ở địa phương.

Chùm bài “Công ty Việt Nam tại Lào gắn kết tình hữu nghị” của nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Vientiane phản ánh sự "thay da đổi thịt" tại những địa phương mà các công ty Việt Nam đầu tư, qua đó lý giải nguyên nhân các công ty Việt Nam hoạt động tại Lào được chính quyền và người dân Lào đánh giá cao và dành tình cảm quý mến.

Trong những năm qua, để phát triển thành công, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã áp dụng các mô hình kinh doanh và hợp tác hay, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, nhờ đó không chỉ giúp người dân có việc làm, tạo thêm thu nhập, mà còn giúp bảo vệ môi trường, được nhân dân cùng chính quyền sở tại ủng hộ và đánh giá cao.

Bài 3: Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội

Trong những thập kỷ qua, các dự án của Việt Nam không chỉ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương tại Lào, mà còn giúp phát triển cơ sở hạ tầng và làm tốt công tác an sinh xã hội, được phía bạn Lào đánh giá cao.

Hơn 10 năm gắn với nghề giáo tại nhiều điểm trường ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của Lào, vốn quá quen với những điểm trường có cơ sở vật chất nghèo nàn, chủ yếu do các thầy cô, cha mẹ học sinh và học trò tự tay gây dựng, không thể nói hết nỗi mừng vui và sự tự hào của cô Nitxay Buatha khi được phân công về dạy tại Trường Tiểu học Hindam, nơi theo chia sẻ của cô là điểm trường đã được xây dựng rất bài bản, thiết kế đẹp và có đầy đủ cơ sở vật chất tiêu chuẩn cho một trường học như hệ thống phòng học, phòng vệ sinh, nhà bếp, sân trường.

Cô Nitxay Buatha "khoe" với các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam rằng đây là trường học có cơ sở vật chất tốt nhất trong số các điểm trường mà cô đã từng dạy. Trái với những nơi khác thiếu thốn trăm bề, ở đây, giáo viên và các em học sinh không phải thực hiện công việc tu bổ nào, chỉ lo làm sao giữ gìn tốt cơ sở vật chất để sử dụng lâu dài.

Mỉm cười và chỉ ra khu sân trường rộng rãi được đổ bêtông, nơi từng đám học sinh đang vô tư hò hét, chơi đùa trong giờ ra chơi với các trò như thi nhảy xa, nhảy dây, búng bi…, cô Nitxay cho biết tại các điểm trường khác ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, thật khó có thể có một khu chơi rộng rãi cho tất cả các học sinh của trường chứ đừng nói đến sân bê tông sạch và rộng như vậy.

Trường Tiểu học Hindam chỉ là một trong số rất nhiều hạng mục thuộc Khu tái định cư Houydoum thuộc huyện Sanxai, tỉnh Attapeu, mà Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện Xekamane 1, công ty con của Công ty Cổ phần Phát triển Điện Việt Lào - Tổng Công ty Sông Đà, đã xây dựng khi triển khai dự án thủy điện Xekamane 1 tại huyện.

Để người dân khi chuyển đến khu ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, không chỉ xây dựng hệ thống nhà kiên cố, phù hợp với tập tục văn hóa, tín ngưỡng của người dân, dự án cũng xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, nhà văn hóa, trạm y tế, hệ thống trường học các cấp từ mẫu giáo tới trung học cơ sở, hệ thống điện, nước sinh hoạt, đường lên khu sản xuất, đường vào tái định cư.

Các em học sinh chơi trên sân trường Tiểu học Hindam, thuộc khu tái định cư Houydoum tại huyện Sanxai, tỉnh Attapeu, Nam Lào do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xekamane 1 xây dựng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đến khu tái định cư Houydoum vào một buổi chiều vàng nắng, mở ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh những con đường được trải nhựa thẳng tắp, một bên là dãy nhà tường màu trắng kết hợp với những mảnh gỗ có màu nâu ấm và mái tôn đỏ thắm được xây dựng giống nhau, rất kiên cố. Trước mỗi căn nhà được trồng rất nhiều cây xanh và hoa rực rỡ sắc màu. Phía bên còn lại là các công trình phụ trợ như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế…

Với 98 hộ dân, Houydoum là khu tái định cư thứ hai mà Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện Xekamane 1 xây dựng. Trước đó vào năm 2015, công ty cũng đã bàn giao khu tái định cư Souksavang-Dakbou với 158 hộ dân. Tổng vốn đầu tư hạ tầng và các chi phí cho cả hai dự án này khoảng 23 triệu USD.

Bên cạnh việc xây dựng các cơ sở hạ tầng nói trên, người dân tái định cư còn được phía dự án hỗ trợ lương thực trong giai đoạn đầu; được cấp đất để trồng lúa nước, lúa nương, trồng cây lâu năm; được hỗ trợ các con giống và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng để nhanh chóng ổn định và phát triển cuộc sống.

[Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội]

Rời bỏ cuộc sống khó khăn trong rừng để chuyển về khu tái định cư Houydoum từ năm 2017, ông Phansop Phayoudone, Trưởng bản Hindam, một trong 3 bản thuộc khu tái định cư, bộc bạch: “Gia đình tôi chuyển về bản này từ năm 2017. Về đây, việc đi lại rất thuận tiện, được cấp nhà, cấp ruộng, vườn, rẫy, có đường, điện, trường, trạm… so với bản cũ ở trong rừng rất khó khăn, đời sống ở đây tốt hơn nơi ở cũ nhiều."

Đánh giá về các dự án tái định cư của dự án Xekamane 1, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu, ông Thanousay Bansalith, cho biết trước khi có dự án người dân ở đây vẫn còn tập tục sống du canh, du cư, làm nương rẫy, sống phụ thuộc vào rừng núi, thiên nhiên, do vậy phần lớn đều rất khó khăn. Kể từ khi được chuyển về các khu tái định cư mới, được quy hoạch tốt với đầy đủ cơ sở hạ tầng cơ bản, khác hẳn với những nơi ở cũ vốn chẳng có quy hoạch và thiếu thốn đủ thứ, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi. Bản thân ông đã từng tới tận bản Hindam để mục sở thị và thấy rằng đường sá, nhà cửa được xây dựng khang trang, quy hoạch đẹp.

Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu chia sẻ: “Nếu các bản khác mà cũng được như thế này hết thì đẹp và tốt quá."

Toàn cảnh thủy điện Xekamane 1 tại huyện Sanxai, tỉnh Attapeu, Nam Lào do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xekamane 1 xây dựng. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)

Nằm tại huyện Sanxai, tiếp giáp với tỉnh Kon Tum của Việt Nam, dự án thủy điện Xekamane 1 được xây dựng trên cơ sở hợp tác về năng lượng giữa chính phủ hai nước Việt Nam và Lào có tổng công suất là 322MW.

Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 6/3/2011 với tổng mức đầu tư 539,49 triệu USD. Kể từ khi được triển khai và tới khi đi vào hoạt động đầy đủ đến nay, nhiều cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường kết nối giao thông giữa khu vực dự án với các huyện và tỉnh, đã được công ty xây dựng khép kín, đồng bộ. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại mà còn góp phần từng bước thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng của địa phương.

Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với nơi ở cũ, đời sống của những người dân tại các khu tái định cư Houydoum và Souksavang-Dakbou do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện Xekamane 1 xây dựng đã có những thay đổi lớn mang tính toàn diện, không chỉ giúp họ chấm dứt cảnh du canh, du cư, chỉ biết dựa vào rừng, mà còn giúp người dân có cuộc sống ổn định, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần ổn định an ninh khu vực biên giới hai nước Việt Nam-Lào anh em.

Chính hoạt động của những công ty Việt Nam tại Lào như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện Xekamane 1 đã góp phần gắn kết và củng cố tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước láng giềng anh em Việt Nam-Lào./.

Bài 1: Thay đổi diện mạo một vùng đất

Bài 2: Mô hình hợp tác Việt Nam-Lào phù hợp với đặc thù địa phương

Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)