Công ty mẹ của Zara đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu dệt may tái chế

Inditex-chủ sở hữu một loạt thương hiệu thời trang nhanh như Zara, Bershka, Massimo Dutti, Stradivarius, Pull&Bear... đặt mục tiêu đến năm 2030 thì 25% sợi fiber của hãng thuộc nguyên liệu thế hệ mới.

Logo của tập đoàn Inditex. (Nguồn: fashionnetwork)

Trong bối cảnh các nhà bán lẻ thời trang nhanh đang đối mặt với áp lực phải giảm chất thải và sử dụng nguyên liệu tái chế, Inditex - nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới có trụ sở ở Tây Ban Nha, đã đạt được một thỏa thuận mua polyester tái chế của Ambercycle - một công ty khởi nghiệp ở Mỹ.

Thông tin chi tiết liên quan đến thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng theo một tài liệu mà hãng tin Reuters tiếp cận được, Inditex sẽ đầu tư 70 triệu euro (74,19 triệu USD) để hỗ trợ Ambercycle vận hành nhà máy tái chế dệt may quy mô thương mại đầu tiên của công ty non trẻ này.

Dự kiến việc sản xuất polyester tái chế dưới nhãn hàng cycora tại nhà máy sẽ bắt đầu khoảng năm 2025 và vật liệu này sẽ được sử dụng trong các sản phẩm của Inditex trong 3 năm tiếp theo.

Polyester là một sản phẩm của công nghiệp dầu mỏ, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất quần áo thể thao vì tính năng bền và khô nhanh của chất liệu này.

Inditex - chủ sở hữu một loạt thương hiệu thời trang nhanh như Zara, Bershka, Massimo Dutti, Stradivarius, Pull&Bear... đặt mục tiêu đến năm 2030 thì 25% sợi fiber của hãng thuộc nguyên liệu thế hệ mới.

[Công ty sở hữu chuỗi thời trang Zara báo cáo lợi nhuận cao kỷ lục]

Ngoài Inditex, một số thương hiệu may mặc đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào polyester nguyên chất, cũng đã chuyển sang polyester tái chế từ chai nhựa. Tuy nhiên, xu hướng này vấp phải sự chỉ trích vì tạo ra nhiều nhu cầu hơn về chai nhựa đã qua sử dụng, theo đó đẩy giá chai nhựa.

Trên thực tế, việc tái chế polyester từ chất thải dệt may thành vải đang ở giai đoạn sơ khai. Quá trình này sẽ mất thời gian để đạt được quy mô theo yêu cầu của các thương hiệu thời trang toàn cầu. Thương vụ Ambercycle đánh dấu thương vụ mới nhất trong một loạt danh mục đầu tư của Inditex vào các công ty khởi nghiệp tái chế dệt may.

Năm ngoái, Inditex đã ký hợp đồng trị giá 100 triệu euro (104 triệu USD) thời hạn 3 năm để mua 30% sợi tái chế của Công ty sợi Infinited (Phần Lan) và đầu tư vào Circ, một công ty khác của Mỹ chuyên tái chế vải dệt thành vải.

Tại Tây Ban Nha, Inditex đã hợp tác với các đối thủ trong đó có H&M và Mango để quản lý rác thải ngành may mặc, chuẩn bị cho việc thực thi quy định thu gom riêng rác thải dệt may của Liên minh châu Âu (EU), dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2025./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)