Công ty khoáng sản Nam Phi kiếm lợi nhuận khổng lồ từ vốn khởi nghiệp 1 USD
Theo công ty Research and Markets, quy mô thị trường heli toàn cầu đạt hơn 6 tỷ USD trong năm 2027, đem lại tiềm năng doanh thu lớn cho hãng khởi nghiệp Renergen của Nam Phi.
Bỏ ra chỉ 1 USD để sở hữu một khối tài sản trị giá hàng tỷ USD. Điều này tưởng như khó tin. Thế nhưng, đó là câu chuyện khởi nghiệp của hai nhà thăm dò khoáng sản ở Nam Phi là ông Stefano Marani và Nick Mitchell.
Khi công ty khởi nghiệp Renergen của hai người nói trên mua quyền khai thác và sản xuất khí tự nhiên tại một khu vực ở Virginia, thị trấn thuộc tỉnh Free State (Nam Phi), họ không hề nghĩ đến việc có thể tìm thấy trữ lượng khí heli lớn đến vậy ở khu vực này.
Heli được sử dụng phổ biến trong bóng bay cũng như trong nhiều ứng dụng khác. Khi ngưng tụ thành chất lỏng ở nhiệt độ cực thấp, heli được sử dụng như một chất làm mát trong sản xuất vi mạch và trong công nghệ chụp chiếu của ngành y tế.
Thế nhưng, sau khi kiểm tra thành phần khí tự nhiên từ hai đường ống được lắp đặt nhiều năm trước khi khai thác, Stefano Marani và Nick Mitchell - chủ nhân của công ty khởi nghiệp Renergen đã tìm thấy hàm lượng khí heli lớn bất thường tại khu vực của dự án khai thác khí tự nhiên mà họ đặt tên là Virginia Gas Project.
Ông Marani cho biết khí heli được tìm thấy tại mỏ khai thác của Renergen có nồng độ trung bình là 3%, ở một số địa điểm là 12%. Trong khi đó, các địa điểm khai thác ở Mỹ - quốc gia hàng đầu thế giới về cung cấp heli - ghi nhận nồng độ trung bình chỉ là 0,35%.
Một "địa chỉ" khác cung cấp heli trên thế giới là Qatar, song nồng độ cũng chỉ là 0,04%.
Theo ước tính, dự trữ heli tại Virginia Gas Project là hơn 7 tỷ cubic feet (gần 200 triệu m3) khí heli, trị giá hơn 4 tỷ USD. Nếu tính cả những trữ lượng tiềm năng thì giá trị heli đem lại có thể lên tới 12 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá heli trên thị trường toàn cầu luôn biến động. Trong khi đó, nguồn cung không ổn định, thường gián đoạn do chỉ có chưa đến 10 quốc gia trên thế giới sản xuất khí này.
Tại châu Phi, những mỏ khí heli trữ lượng lớn đã được phát hiện ở Tanzania, một quốc gia ở Đông Phi, song lại chưa được sản xuất thương mại để bán ra thị trường.
Còn đối với dự án của Stefano Marani và Nick Mitchell, Renergen đã lần đầu tiên sản xuất thành công heli lỏng vào tháng 1/2023. Sự kiện này đưa Nam Phi lên bản đồ thế giới về các cung cấp heli cho thị trường toàn cầu.
Một giá trị khác là khí heli mà Renergen khai thác được có tính chất thân thiện với môi trường do nồng độ phát thải carbon ở mức thấp hơn so với các loại khí heli được chiết tách từ khí tự nhiên hóa lỏng.
Theo giải thích của ông Chris Ballentine - Trưởng Khoa Địa chất của Đại học Oxford (Anh), heli thường được sản xuất bằng cách chiết tách ra khỏi khí tự nhiên hóa lỏng vốn có thành phần chính là metan, do đó thường đi kèm với việc phát thải khí carbon ở mức cao trong quá trình sản xuất.
Nhưng nếu nồng độ heli ở mức cao thì đồng nghĩa với việc lượng khí metan sản sinh trong quá trình sản xuất sẽ ít hơn, do đó, làm giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất heli.
Theo ông Mitchell, Công ty Renergen đang triển khai dự án khai thác thương mại heli ở giai đoạn 1, với sự hỗ trợ vốn của Chính phủ Mỹ.
Trong giai đoạn đầu, Renergen đặt mục tiêu sản xuất khoảng 350kg heli mỗi ngày - đủ để đáp ứng nhu cầu của Nam Phi và vẫn dư thừa để cung cấp cho thị trường khác.
Dự kiến, giai đoạn 2 của dự án sẽ khởi động vào năm 2027, với mục tiêu đẩy mạnh công suất khai thác lên 4,2 tấn heli mỗi ngày, chiếm khoảng từ 6%-8% nguồn cung heli toàn cầu.
Theo Research and Markets - công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ, quy mô thị trường heli toàn cầu đạt hơn 6 tỷ USD trong năm 2027, đem lại tiềm năng doanh thu lớn cho Renergen./.