Công tác ứng phó thiên tai cần các giải pháp đồng bộ, toàn diện
Từ các thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 cho thấy công tác ứng phó thiên tai cần các giải pháp đồng bộ, toàn diện mới có hiệu quả lâu dài, bền vững, bảo vệ cao nhất tính mạng, tài sản của dân
Từ diễn biến của bão số 3 và hoàn lưu bão cho thấy công tác theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai; chủ động phân tích, dự báo, cảnh báo từ sớm từ xa đã giúp phát hiện kịp thời những diễn biến bất thường.
Những thông tin đó làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời giúp các địa phương triển khai biện pháp, phòng chống từ sớm, từ xa không để bị động, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Bám sát diễn biến
Sau khi nhận định bão có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn phân công lãnh đạo các đơn vị trực tiếp nắm tình hình, thực hiện báo cáo và cập nhật thông tin nhanh, liên tục cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Thông tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn đã bám sát với diễn biến thực tế của bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Trong quá trình dự báo bão số 3, cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam có 3 lần thảo luận với Trung tâm Dự báo bão khu vực của Nhật Bản; 2 lần thảo luận với cơ quan Khí tượng Trung Quốc trong đợt dự báo bão số 3 để chia sẻ thông tin dự báo, kinh nghiệm chuyên gia và số liệu quan trắc bão.
Dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn về cường độ cũng như hướng di chuyển sát với cường độ bão thực tế trên Vịnh Bắc Bộ cũng như khi bão vào đất liền có sự tương đồng với dự báo của các cơ quan khí tượng quốc tế.
Các bản tin cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cũng được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn ban hành rất sớm. Các bản tin cảnh báo lũ khẩn cấp trên các sông cũng được ban hành từ sớm và liên tục.
Từ ngày 5/9 vừa qua, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành bản tin cảnh báo lũ trên các sông ở khu vực Bắc Bộ; từ chiều 8/9 tin lũ khẩn cấp trên sông Thao, sông Lục Nam, sông Hoàng Long, đồng thời cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại nhiều địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 và hoàn lưu bão; đến chiều 9/9 quyết định nâng cấp bản tin lũ đặc biệt lớn đối với hệ sông Thao.
Trung tâm cũng ban hành bổ sung các bản tin theo từng giờ và bản tin chuyên đề phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với lũ, ngập lụt, an toàn hồ chứa. Từ trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, cơ quan khí tượng thủy văn đã ban hành các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đối với tất cả các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Đặc biệt, từ ngày 7 đến 10/9 vừa qua đã nâng cấp Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 về lũ quét, sạt lở đất đối với 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai (cấp cao nhất đối với lũ quét, sạt lở đất); trong đó khu vực xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên luôn được xác định ở mức nguy cơ rất cao.
Ngay trong đêm 9/9 vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Tổng cục Khí tượng Thủy văn và yêu cầu nơi nào nguy hiểm nhất cần tập trung cảnh báo khu vực đó.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phải bám sát với cục Quản lý Tài nguyên nước, các cơ quan chuyên môn của Bộ áp dụng mọi phương pháp đưa ra các khung kịch bản dự báo sát với tình hình thực tế nhất. Liên tục đưa ra các bản tin dự báo cập nhật tình hình về mưa lũ theo từng giờ.
Với lượng mưa và nước lớn ở khu vực Lào Cai, đề nghị dùng mây vệ tinh theo dõi, tính toán lượng mưa xung quanh khu vực để từ đó đưa ra các phương án cảnh báo cho khu vực sông Đà cũng như các lưu vực sông khác.
Để thông tin rộng rãi tới cộng đồng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã sử dụng tất cả các hình thức tuyên truyền có thể, bằng văn bản, phỏng vấn chuyên gia trực tiếp và gián tiếp, tuyên truyền bằng video clip qua mạng thông tin báo chí chính thống và mạng xã hội định danh.
Hơn 40 phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông đã đưa tin trực tiếp liên tục từ trụ sở Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Ứng phó kịp thời, xử lý linh hoạt
Lào Cai là một trong những khu vực nằm trong vùng “báo động đỏ” về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đau thương của thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) thì phép màu cũng đã có ở nơi này. Những ngày qua, câu chuyện 115 người dân của thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) chạy đua với thời gian, chủ động di chuyển lên một ngọn núi cao cách thôn khoảng 1km để dựng lán trú tạm thời đã trở thành “điểm sáng” hy vọng.
Đó là quyết định thể hiện rõ vai trò, uy tín của người đứng đầu “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của Trưởng thôn sinh năm 1991 Ma Seo Chứ.
Ngày 9/9 vừa qua, thôn Kho Vàng trải qua 2 ngày mưa liên tục, giao thông bị chia cắt, điện thoại cũng mất liên lạc. Từ lúc anh Ma Seo Chứ cùng người dân trong thôn phát hiện vết sạt lở đầu tiên đến khi người dân an toàn ở nơi trú tạm chỉ khoảng 8 tiếng đồng hồ. Ngày hôm sau quả đồi phía sau sạt lở xuống đúng thôn Kho Vàng.
Trong ngày 7/9 vừa qua khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, bất chấp mưa to, gió lớn, với tinh thần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, Công an xã Mường Hum (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đã quyết định di chuyển 11 giáo viên và 131 học sinh trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông số 3 ra khỏi dãy nhà bán trú nằm sát một quả ở, tới lánh nạn tại trường Mầm non và Nhà văn hóa thôn Piềng Náo.
Khi hoàn lưu bão ảnh hưởng rộng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giao thông của địa bàn xã Mường Hum ra trung tâm huyện Bát Xát bị cắt đứt ngay sau đó. Và đêm ngày 9/9, quả đồi phía sau trường sạt xuống làm đổ sập hoàn toàn dãy nhà bán trú gồm 16 phòng ở.
Những gì diễn ra ở Lào Cai cho thấy công tác dự báo, cảnh báo từ sớm, từ xa cùng với việc ứng phó kịp thời, linh hoạt, quyết đoán trong xử lý tình huống đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người.
Để ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão, các cơ quan, lực lượng đã hướng dẫn hơn 50.000 tàu cá về nơi tránh trú, tổ chức sơ tán khoảng 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, nhà yếu; sơ tán, di dời khoảng 80.000 hộ dân với trên 130.000 người tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn.
Huy động gần nửa triệu người, 6.600 phương tiện ứng phó với bão; hơn 100.000 lượt người và hơn 2.100 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Từ các cảnh báo lũ trên sông, an toàn hệ thống đê kè của cơ quan khí tượng thủy văn, các ban, ngành ở trung ương và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều quyết định kịp thời.
Hà Nội và Bắc Ninh cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Chương Dương, Long Biên, cầu Đuống. Các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hà Nam, Ninh Bình, Thủ đô Hà Nội… di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; huy động lực lượng gia cố, hộ đê, đắp đê ngăn lũ.
Trước tình hình bão lũ, thiên tai, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ra kết luận kịp thời; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão.
Thủ tướng Chính phủ đã có 9 công điện chỉ đạo với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả, liên tục cập nhật các chỉ đạo như chỉ đạo các giải pháp phân lũ từ thượng nguồn để bảo vệ đập thủy điện Thác Bà tại Yên Bái, đê Hoàng Long tại Ninh Bình; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, địa phương, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ đã được các vị lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao.
Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương trên 350 tỷ đồng, 300 tấn gạo… và đang tiếp tục thống kê để hỗ trợ. Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra với tổng số tiền đến nay là hơn 1.000 tỷ đồng. Công việc khắc phục hậu quả của bão và hoàn lưu bão còn bộn bề.
Với quyết tâm nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, cả hệ thống chính trị đang tích cực vào cuộc với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” "làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước" như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng chỉ đạo trong ngày 16/9, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về khắc phục hậu quả siêu bão số 3 để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Bão số 3 đã đi qua, mặc dù dự báo chính xác, công tác ứng phó kịp thời, linh hoạt, nhưng hậu quả vẫn rất nghiêm trọng. Sạt lở, lũ quét xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, vì vậy, tại các địa phương được cảnh báo có nguy cơ cao cần chủ động xây dựng quy hoạch khu dân cư tránh lũ, sạt lở đất; vụ tai nạn sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), buộc phải dừng lưu thông qua các cây cầu cũ... cho thấy việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng rất cần thiết...
Từ các thiệt hại về người và tài sản, cho thấy công tác ứng phó thiên tai cần các giải pháp đồng bộ, toàn diện mới có hiệu quả lâu dài và bền vững, bảo vệ cao nhất tính mạng và tài sản của nhân dân./.
Bài 1: Bão số 3 - Siêu bão lịch sử với nhiều điểm bất thường