Công nhận nhà nước Palestine: Con đường hòa bình vẫn có vô số trở ngại
Phản ứng gay gắt của Israel đối với Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha càng cho thấy đến nay vẫn chưa có áp lực nào đủ lớn, có thể tác động để Israel thay đổi lập trường cứng rắn về giải pháp hai nhà nước.
Việc có thêm 3 quốc gia Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha ngày 28/5 chính thức công nhận Nhà nước Palestine được đánh giá mang tính biểu tượng cao và đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ quốc tế, làm tăng kỳ vọng về việc khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông trên cơ sở giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình.
Tuy nhiên, bạo lực, bom đạn, khói lửa vẫn bao trùm khu vực Dải Gaza đang khiến cho viễn cảnh tươi sáng đó trở nên mờ mịt.
Lịch sử mâu thuẫn chồng chất và dai dẳng giữa người Israel và người Palestine kéo dài hàng thập niên qua, đặc biệt là thảm họa nhân đạo chưa từng thấy tại Dải Gaza kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7/10/2023, càng khẳng định tính cấp thiết của một giải pháp chính trị toàn diện vốn được cộng đồng quốc tế thúc đẩy hàng chục năm nay. Đó là việc hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau, đồng thời tôn trọng quyền tự quyết của người Palestine.
Nói như Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store: “Giữa cuộc chiến với hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương, chúng ta phải duy trì giải pháp thay thế duy nhất mang lại lối thoát chính trị cho cả người Israel và người Palestine: Hai quốc gia sống cạnh nhau, trong hòa bình và an ninh."
Xét về mặt ngoại giao, việc Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha, cộng hưởng cùng 143 nước trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc khẳng định Palestine có quyền chính đáng thành lập nhà nước độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ, được cho sẽ tạo thêm động lực để nhiều nước châu Âu khác công nhận Nhà nước Palestine.
Bên cạnh đó, động thái này còn có thể gia tăng áp lực buộc Israel phải nghĩ tới giải pháp chính trị hòa bình - cũng là sự đảm bảo tốt nhất và lâu bền nhất đối với chính an ninh Israel.
Tuy nhiên, con đường hòa bình Trung Đông vẫn gặp vô số trở ngại. Việc Israel tiến hành vụ không kích vào một trại tị nạn ở Rafah ngày 27/5, khiến ít nhất 40 người Palestine thiệt mạng và 65 người bị thương, trong đó đa phần là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, hay các vụ phóng rocket từ Dải Gaza vào thành phố Tel Aviv và các khu vực lân cận ở miền Trung Israel chiều 26/5, mà Lữ đoàn al-Qassam của Hamas tuyên bố là tấn công "tên lửa lớn" để trả đũa "các vụ thảm sát chống lại dân thường," đã thực sự “phủ bóng đen lên những đốm lửa vừa nhen."
Phản ứng gay gắt của Israel đối với Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha càng cho thấy đến nay vẫn chưa có áp lực nào đủ lớn, có thể tác động để Israel thay đổi lập trường cứng rắn về giải pháp hai nhà nước. Trong khi đó, việc Hamas tuyên bố sẽ không tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào về thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân sau vụ không kích vào trại tị nạn ở Rafah, càng khiến lối thoát xung đột trở nên hẹp hơn.
Bản thân Mỹ, đồng minh chủ chốt của Israel, mặc dù tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước, song cho rằng giải pháp hai nhà nước nên được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên chứ không phải thông qua sự công nhận đơn phương của từng quốc gia.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định tạm dừng cung cấp cho Tel Aviv một số loại vũ khí nhằm gây áp lực buộc Israel phải có biện pháp bảo vệ dân thường trong chiến dịch tấn công Rafah. Tuy nhiên, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật ngăn Tổng thống Biden ngừng cấp vũ khí cho Israel.
Theo các nguồn tin, Bộ Ngoại giao Mỹ hồi giữa tháng 5 đã trình quốc hội nước này gói viện trợ vũ khí cho Israel trị giá 1 tỷ USD.
Các cuộc đàm phán về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Trung Đông đã được thúc đẩy mạnh mẽ sau Hiệp định Oslo năm 1993, với việc thành lập Chính quyền Palestine (PA). Tuy nhiên, đàm phán nhanh chóng rơi vào bế tắc do hai bên bất đồng về hàng loạt vấn đề như số phận của người tị nạn Palestine, quyền kiểm soát Jerusalem...
Tiếp đó, làn sóng bạo lực giữa hai bên, tiến trình mở rộng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem cùng sự chia rẽ ngay trong nội bộ cả Israel lẫn Palestine biến thành trở lực đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. …
Trong khi đó, toan tính của các cường quốc trong và ngoài khu vực khi can dự vào "bàn cờ Trung Đông" càng khiến cơ hội đàm phán xa dần.
Rõ ràng khó có thể đạt được giải pháp hai nhà nước trong bối cảnh hai bên vẫn tồn tại những mâu thuẫn khó hóa giải về mặt lợi ích, tôn giáo, sắc tộc; là nhu cầu về một không gian sinh tồn và phát triển của người Arab trên vùng đất của mình đã không được đảm bảo; sự thất bại của các biện pháp hòa giải, trong khi sự can thiệp của bên ngoài càng khiến tình hình trở nên phức tạp. Ngay trong Chính phủ Israel cũng tồn tại bất đồng về vấn đề Palestine. Lập trường giữa các phe phái ở Palestine, nhất là giữa Fatah và Hamas, trong việc giải quyết xung đột cũng khác biệt, khi Hamas từ chối công nhận Israel.
Đại Hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết mới trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước Quan sát viên, thêm những quốc gia công nhận Nhà nước Palestine..., tất cả như những đốm lửa thắp thêm hy vọng, song vẫn chưa đủ để xua tan màn đêm. Sự thay đổi chỉ có thể xuất phát từ quyết tâm, thiện chí cùng những hành động thực chất của chính Israel và Palestine, bên cạnh sự ủng hộ của quốc tế./.