Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực tại Gaza
Đại diện của EU bày tỏ quan ngại về các diễn biến mới nhất ở trong và quanh dải Gaza, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa nhằm tránh căng thẳng leo thang hơn nữa và gây thêm thương vong.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/8 kêu gọi các bên kiềm chế tối đa trong làn sóng leo thang bạo lực tồi tệ nhất ở dải Gaza của Palestine kể từ sau cuộc giao tranh năm ngoái.
Người phát ngôn của Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell ra tuyên bố cho biết: “EU rất quan ngại về các diễn biến mới nhất ở trong và quanh dải Gaza. EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa nhằm tránh căng thẳng leo thang hơn nữa và gây thêm thương vong.”
Quan chức trên nhấn mạnh dù Israel có quyền bảo vệ người dân của mình nhưng quyền đó cần thực hiện sao cho tránh gây xung đột rộng hơn, sẽ ảnh hưởng trước tiên và trên hết đến chính người dân của hai bên và làm gia tăng thương vong.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Israel đã không kích Gaza từ ngày 5/8, đến nay đã làm ít nhất 14 người Palestine thiệt mạng và 110 người bị thương.
Nhóm vũ trang Jihad của Palestine đã đáp trả bằng loạt bắn ít nhất 160 quả rocket sang Israel. Hầu hết rocket đã bị đánh chặn và không có thiệt hại lớn.
Phía Israel cho biết họ buộc phải khởi động một chiến dịch “phòng vệ” chống phong trào Hồi giáo Jihad, nhấn mạnh rằng phong trào này đang lên kế hoạch tấn công lớn sau nhiều ngày căng thẳng dọc biên giới với Gaza.
Trong một diễn biến liên quan, Nga cũng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ra tuyên bố cho biết: "Moskva rất lo ngại trước các sự kiện đang diễn ra (tại Gaza) và kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế tối đa."
[Quân đội Israel phát động chiến dịch tấn công vào Dải Gaza]
Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif cũng kịch liệt lên án cuộc không kích của Israel tại Gaza. Trong khi đó, Liên hợp quốc cùng với Ai Cập và Qatar đang đẩy mạnh các nỗ lực làm trung gian nhằm chấm dứt giao tranh.
Khoảng 2,3 triệu người Palestine đang mắc kẹt tại Gaza khi Ai Cập và Israel hạn chế đi lại và vận chuyển hàng hóa ra vào dải đất này cũng như cấm vận hàng hải do lo ngại an ninh.
Israel cũng đã ngừng vận chuyển nhiên liệu vào Gaza trước khi phát động chiến dịch không kích, khiến nhà máy điện duy nhất ở đây phải ngừng hoạt động.
Khu vực biên giới giữa Israel và Gaza đã khá yên tĩnh trong hơn 1 năm qua, sau đợt giao tranh kéo dài 11 ngày hồi tháng 5/2021 làm ít nhất 250 người ở Gaza và 13 người ở Israel thiệt mạng./.