Cộng đồng Pháp ngữ thảo luận về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực

Các đại biểu khẳng định vai trò quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ trong việc thúc đẩy an ninh lương thực, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển và những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ ngày 21/1 đã diễn ra ba phiên thảo luận về các chủ đề "Hợp tác pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững," "Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực" và "Chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu."

Tăng cường hợp tác vì nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực toàn cầu

Tại Phiên thảo luận đầu tiên tại Diễn đàn với chủ đề "Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ hy vọng những sáng kiến từ Diễn đàn sẽ góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách như an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp xanh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng nông nghiệp là lĩnh vực cốt lõi với nhiều quốc gia thành viên của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, đặc biệt ở châu Phi, Đông Nam Á và Caribe.

Bộ trưởng cũng đề cập cơ chế hợp tác Nam-Nam và ba bên là phương thức hiệu quả để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực, giảm khoảng cách phát triển giữa các quốc gia trong khối.

Dẫn chứng việc kỹ thuật canh tác lúa của Việt Nam đã giúp hồi sinh nghề trồng lúa gạo ở vùng đất Camargue của Pháp cũng như giúp vùng này tránh được nạn đói hơn 70 năm trước, ông Lê Minh Hoan cho biết hiện nay hàng nghìn chuyên gia nông nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục gắn bó với các quốc gia châu Phi, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, ngô và nuôi cá.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, lúc sinh thời đã cùng các cộng sự đã đến Tây Phi, triển khai các mô hình trồng lúa, thiết kế công trình thủy lợi… Hay những mô hình như nhóm Quang Linh Vlogs tại Angola đã đem lại hiệu quả cao, chứng minh khả năng của Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững tại các quốc gia đang phát triển.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu bật vai trò của các công nghệ canh tác tiên tiến và các thực hành quản lý tài nguyên bền vững; nhấn mạnh, để đối mặt với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và bất ổn nguồn lương thực, các quốc gia cần chung tay hành động thiết thực.

Sự phối hợp này không chỉ đảm bảo tính bền vững của ngành nông nghiệp mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì an ninh lương thực toàn cầu. Với tiềm năng và kinh nghiệm của một quốc gia đang phát triển năng động trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng các nước trong cộng đồng để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tại phiên thảo luận thống nhất rằng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong nông nghiệp sẽ tạo nên một cộng đồng Pháp ngữ đoàn kết và vững mạnh.

Việc thúc đẩy cơ chế hợp tác đa phương, song phương và quốc tế trong nông nghiệp không chỉ giúp kết nối thương mại nông sản mà còn khuyến khích đầu tư bền vững và có trách nhiệm.

Để làm được điều này, các nước thành viên cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, và đối tác phát triển nhằm xây dựng các dự án hỗ trợ nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nước phát triển cung cấp thêm tài chính và nguồn lực để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp bền vững.

Các sáng kiến này bao gồm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trao quyền cho nông dân thông qua việc trang bị kiến thức, kỹ năng và công nghệ phù hợp.

Thúc đẩy an ninh lương thực ở những khu vực dễ tổn thương

Ở phiên thảo luận “Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực,” các đại biểu khẳng định vai trò quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ trong việc thúc đẩy an ninh lương thực, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển và những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, xung đột hoặc khủng hoảng kinh tế.

Đại biểu Cộng hòa Nhân dân Bénin chia sẻ tại phiên thảo luận.(Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Từ khi thành lập, Cộng đồng Pháp ngữ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất nông nghiệp, bảo quản thực phẩm và quản lý tài nguyên thiên nhiên tại các nước thành viên.

Thông qua các đối tác quốc tế, cộng đồng đã cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật, giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện khả năng phục hồi trước hạn hán, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác. Bên cạnh đó, các sáng kiến bảo tồn hệ sinh thái đã đảm bảo nguồn thực phẩm bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện đã tự chủ lương thực cho 100 triệu dân và xuất khẩu nông sản tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 62,5 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt 17,9 tỷ USD.

Bộ cũng đang xây dựng đề án hợp tác Nam-Nam và ba bên trong nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm tăng cường hợp tác với các nước châu Phi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước, đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe và xu hướng giảm đất nông nghiệp, lao động do công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Dù khu vực này đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% sản lượng trái cây toàn quốc, nhưng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Các đại biểu đề xuất tăng cường hợp tác Nam-Nam trong cộng đồng Pháp ngữ, đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nông nghiệp phù hợp với bối cảnh địa phương. Đồng thời, cần thúc đẩy các chính sách an ninh lương thực công bằng và bền vững tại các diễn đàn quốc tế, khẳng định quyền tiếp cận thực phẩm là một quyền cơ bản của con người.

Việc triển khai các dự án giúp người dân địa phương tự chủ lương thực, giảm phụ thuộc vào viện trợ và tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ để ứng phó biến đổi khí hậu

Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, thảo luận chính sách và tăng cường hợp tác quốc tế.

Quang cảnh phiên thảo luận với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu". (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Tại phiên thảo cuối cùng trong ngày 21/1 về chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu," các đại biểu nhấn mạnh vai trò của nghị viện và chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, ban hành các chiến lược, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu.

Cụ thể là Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và nhiều chính sách, pháp luật khác có nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Xây dựng; Luật Kiến trúc...

Đây là cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia 18 điều ước, thỏa thuận quốc tế nhằm nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Các đại biểu nhấn mạnh không chỉ biến đổi khí hậu mà cả các hoạt động của con người đang làm trầm trọng thêm những vấn đề về môi trường. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, đồng thời thiết lập mạng lưới chia sẻ tri thức trong cộng đồng Pháp ngữ để chuyển giao công nghệ, sáng kiến và kinh nghiệm tiên tiến.

Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng cơ chế tài chính bền vững là yếu tố quan trọng để triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó.

Các đại biểu cũng đề xuất thành lập một diễn đàn chuyên môn trong Cộng đồng Pháp ngữ, nơi các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách có thể thảo luận chiến lược cụ thể. Diễn đàn này sẽ đóng góp vào việc khai thác tối đa nguồn lực tài chính quốc tế, khuyến khích đầu tư tư nhân và cải thiện cơ chế tiếp cận các quỹ tài chính hỗ trợ song phương và đa phương.

Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác và đảm bảo hiệu quả các giải pháp ứng phó, các đại biểu mong muốn Diễn đàn tiếp tục là nền tảng gắn kết các quốc gia thành viên trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu./.