Công bố thêm nhiều Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia
Các di sản vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đợt này thuộc các lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghệ thuật trình diễn dân gian; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký một số văn bản, công bố thêm nhiều di sản vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Đó là các di sản ở các lĩnh vực như tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghệ thuật trình diễn dân gian; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống...
Trong số đó, tỉnh Tuyên Quang có 4 di sản được công nhận gồm: “Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn” (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình); “Lễ hội đình Hồng Thái” (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương); “Tri thức về cọn nước của người Tày” (xã Trung Hà, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa; xã Côn Lôn huyện Na Hang; xã Phúc Yên huyện Lâm Bình); và “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày” (xã Lăng Can, xã Hồng Quang, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình).
[Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển văn hóa Việt Nam 2023-2025]
Tỉnh Điện Biên có 4 di sản được công nhận lần này là “Nghệ thuật múa của người Lào” (huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông); “Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng” (huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông); “Nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì” (xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn, xã Sen Thượng, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) và “Nghề rèn của người Mông.”
Bên cạnh đó còn có các di sản: “Hát ru của người Tày” (xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn); “Nghề dệt thổ cẩm của người Tày” (xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) và “Nghệ thuật Khèn của người Mông” (huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái)... cũng được công bố trong danh mục sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này.
Trong số này, “Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn” lần thứ 2 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, dành cho cộng đồng người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Trước đó, trong đợt 1, di sản này đã được công nhận ở lĩnh vực lễ hội truyền thống do cộng đồng người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang thực hành (văn bản số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012).
Theo Cục Di sản văn hóa: "Nhảy lửa" (Cầu lửa) là lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn - một lễ hội độc đáo, đậm nét Shaman giáo, sơ khai và huyền bí.
Theo truyền thống, "Nhảy lửa" gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng - được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò và truyền nghề.
Theo tiếng Pà Thẻn, lễ truyền nghề thầy cúng được gọi là “Póc Quơ,” hội Nhảy lửa được gọi là “Po dinh họn a tờ.”
Ngày nay, lễ hội này được biết đến rộng rãi với tên gọi Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn.
Lễ hội Nhảy lửa còn là một di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn.
Khi nhắc đến Lễ hội Nhảy lửa, người ta nghĩ ngay đến người Pà Thẻn và ngược lại. Đây cũng là lễ hội duy nhất của người Pà Thẻn còn duy trì đến ngày nay.
Lễ hội nhảy lửa vẫn được người Pà Thẻn tổ chức thường xuyên thu hút đông đảo khách du lịch khi khám phá nét văn hóa độc đáo của dân tộc này.
Không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác của người Pà Thẻn, tạo nên nét đặc trưng riêng của dân tộc.../.