Công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung
Theo Quy hoạch, đến năm 2050, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh.
Ngày 19/5, tại thành phố Huế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 4; công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 14 địa phương trong vùng, cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo các địa phương.
Quy hoạch vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024. Mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước, các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7,5-8%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 165 triệu đồng, tương đương 6.500 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm đạt trên 48%.
Quy hoạch cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại.Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả một năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng, các cơ chế chính sách đặc thù và kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng Điều phối vùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, về cơ bản, kinh tế-xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thế chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện; hoàn thành Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương được giữ vững ổn định.
Đến nay, toàn vùng đã hoàn thành 3/34 nhiệm vụ; đã phê duyệt quy hoạch của 14/14 tỉnh trong vùng; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 5,51%, GRDP bình quân đầu người đạt 75,62 triệu đồng/người.
Tuy nhiên quá trình triển khai còn một số khó khăn về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ban hành Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng là triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã có trong quy hoạch, tuy nhiên cần chỉ rõ cái gì làm trước, cái gì làm sau, những nhiệm vụ, dự án nào được ưu tiên thực hiện; xác định cụ thể nhiệm vụ trong giai đoạn 2024-2030.
Đối với nhiệm vụ hoạt động Hội đồng điều phối vùng trong thời gian tới, các bộ, địa phương cần đẩy mạnh triển khai 11 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023; trong đó cần quan tâm ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tính lan tỏa, kết nối vùng.
Hiện nay, vùng đã chia thành 3 tiểu vùng, vì vậy cần xây dựng cơ chế vận hành, tổ chức của tiểu vùng, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin của vùng.
Đối với vấn đề kết nối vùng bằng hệ thống hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng kết nối ven biển phải là ưu tiên cao nhất; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông để tăng cường Đông-Tây, thông qua các nước Lào, Campuchia; kết nối vùng duyên hải Trung Bộ với các tỉnh Tây Nguyên.
Nhấn mạnh Vùng cần ưu tiên thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng về năng lượng tái tạo, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu không có năng lượng tái tạo, sẽ không thu hút được các dự án đầu tư lớn liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu; cần nghiên cứu kỹ các đề xuất của tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và một số địa phương trong vấn đề triển khai các trung tâm năng lượng tái tạo, đi kèm với cơ chế mua bán điện trực tiếp và hình thành các khu công nghiệp có thể thương mại năng lượng tái tạo nhằm thu hút được các nguồn lực từ khối tư nhân đầu tư hệ thống hạ tầng để phát triển các nguồn điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm hơn nữa công đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; cần đưa Hội đồng điều phối vùng có vị trí trong hệ thống hành chính quốc gia; xây dựng cơ chế hoạt động của các tiểu vùng.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại hội nghị; xin ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương liên quan để hoàn thiện nội dung báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.