Công an Bình Dương thông tin về "35.000 thẻ CCCD chưa tìm được chủ"

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết việc nhiều báo đưa tin "Công an và Bưu điện tỉnh Bình Dương hiện đang giữ hơn 35.000 thẻ CCCD chưa tìm được chủ" là chưa chính xác.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cung cấp thông tin cho Thông tấn xã Việt Nam tại cơ quan công an. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Trước thông tin "Công an và Bưu điện tỉnh Bình Dương hiện đang giữ hơn 35.000 thẻ căn cước công dân chưa tìm được chủ," ngày 16/8, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho rằng việc nhiều báo đưa tin về vụ việc trên là chưa chính xác, không đúng như bản chất thông tin mà lãnh đạo Công an tỉnh đã cung cấp.

Cụ thể, tính đến ngày 14/8/2022, tổng số thẻ căn cước công dân lực lượng Công an đã nhận từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) là 1.279.805 thẻ; đã phát cho người dân được 1.241.191 thẻ. Còn lại 35.326 thẻ đang thực hiện cấp phát cho người dân, cơ quan Công an đang tiến hành chuyển trả 1.133 thẻ cho công dân; Bưu điện cũng đang chuyển trả cho công dân 34.193 thẻ. Trong đó, số lượng thẻ Bưu điện chưa liên hệ được để chuyển phát là 11.776 thẻ.

Đa số các trường hợp chưa chuyển phát được là căn cước công dân của người tạm trú trên địa bàn tỉnh Bình Dương, do công dân thay đổi chỗ ở, thay đổi số điện thoại, nhân viên Bưu điện ghi thông tin số điện thoại và địa chỉ không chính xác nên không thể liên hệ để chuyển phát cho người dân.

[Không cần trình căn cước công dân khi có tài khoản định danh điện tử]

Đại tá Trần Văn Chính cho biết thêm phía Công an và Bưu điện tỉnh đã có cuộc họp đề ra giải pháp để trả 11.776 thẻ căn cước công dân mà Bưu điện chưa liên hệ được người dân.

Đơn vị Bưu điện sẽ lập danh sách đối với các trường hợp này để cơ quan Công an hỗ trợ tra cứu, xác minh nơi ở hiện tại, số điện thoại của công dân.

Trường hợp cơ quan Công an không tìm ra nơi ở hiện tại của người dân thì lập danh gửi về cơ quan Công an nơi công dân đăng ký thường trú để hỗ trợ, chuyển phát cho công dân.

Đối với các trường hợp còn lại, thống nhất với Bưu điện tăng cường nhân lực để chuyển phát thẻ đến tay người dân theo quy định.

Những đơn vị Bưu điện có thẻ tồn nhiều thì Công an cấp huyện hỗ trợ Bưu điện chuyển trả thẻ cho công dân tại các phường, khu phố; cán bộ Công an phường rà soát địa chỉ, phối hợp Bưu điện mời công dân đến điểm trả thẻ để nhận thẻ.

Đối với số thẻ căn cước công dân do Cục C06 mới chuyển về, cơ quan Công an sẽ khẩn trương rà soát, phân loại nơi ở hiện tại và chuyển về Công an cấp xã trả thẻ cho người dân, giảm tải số lượng người dân đến trụ sở chính nhận thẻ; đối với số thẻ đăng ký trả qua dịch vụ Bưu chính thì giao Bưu điện chuyển phát cho người dân.

Theo Đại tá Trần Văn Chính, Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Bưu điện, kịp thời nắm bắt những khó khăn, tồn đọng, có giải pháp linh hoạt không để tồn số thẻ phát sinh mới, đối với những nơi tập trung đông dân cư, có thể trả thẻ tại công ty, khu nhà trọ...

Trường hợp người dân có thay đổi về thông tin nơi ở hiện tại, số điện thoại so với thời điểm làm căn cước công dân mà hiện nay chưa nhận được thẻ căn cước công dân thì người dân chủ động liên hệ với Bưu điện địa phương hoặc cơ quan Công an nơi làm căn cước công dân để kiểm tra tình trạng thẻ của mình, đồng thời cung cấp thông tin để Bưu điện và cơ quan Công an thuận tiện trong công tác trả thẻ.

Trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về việc nhiều người dân phản ánh đã đóng tiền chuyển phát căn cước công dân đến hộ gia đình nhưng sau nhiều tháng chờ không nhận được căn cước công dân dù địa chỉ thường trú không thay đổi. Người dân phải tự lên Bưu điện lấy hoặc đến địa phương nhận căn cước công dân. Trong trường hợp đó thì số tiền người dân đã nộp phải xử lý như thế nào?

Ông Võ Khắc Thành, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Dương, cho hay những trường hợp này, Bưu điện sẽ phối hợp làm việc lại với phía cơ quan Công an có phương án thống kê lại trả tiền người dân cho phù hợp./.

Huyền Trang (TTXVN/Vietnam+)