Cố vấn cao cấp JICA: Sự phát triển công nghiệp của Việt Nam “rất lạc quan”

Theo cố vấn của JICA, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực tự phát triển công nghệ riêng, xác định thị trường mục tiêu, tập trung xây dựng hệ thống dựa trên “bệ đỡ” công nghiệp lõi và đổi mới từng bước.

Dây chuyền lắp ráp ôtô tại nhà máy Honda Phúc Yên, Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Để Việt Nam có thể tránh “bẫy thu nhập trung bình,” tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và phát triển hiện đại vào năm 2045, việc nâng cao năng suất lao động, tạo giá trị gia tăng sẽ là yếu tố quan trọng.

Hơn nữa, Việt Nam cần chuyển từ mô hình dựa vào chi phí lao động giá rẻ, tiếp nhận công nghệ và cơ sở hạ tầng từ nước ngoài, cấu trúc ngành công nghiệp định hướng bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sang chiến lược đổi mới sáng tạo dựa vào các nguồn lực trong nước.

Đây là nhận định được ông Funabashi Gaku, Phó Giáo sư tại Đại học Quốc tế Nhật Bản (IUJ), cố vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) - đưa ra trong buổi thuyết trình với chủ đề "Phát triển công nghiệp-Kinh nghiệm từ Nhật Bản và các quốc gia khác" tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Ngoại giao ngày 9-10/12.

Đánh giá về sự phát triển công nghiệp của Việt Nam, Phó Giáo sư Funabashi chia sẻ: “Rất lạc quan.” Ông kể câu chuyện tại trường đại học IUJ nơi ông đang giảng dạy, các doanh nghiệp Nhật Bản khi được hỏi đều cho biết họ muốn được chia sẻ thông tin về ngành công nghiệp của Việt Nam, được trò chuyện với các sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây, thay vì trao đổi với sinh viên đến từ một số quốc gia đang phát triển khác. Đáng chú ý xu hướng này không chỉ được quan sát thấy tại Nhật Bản mà còn diễn ra ở nhiều nước khác, cũng như ở châu Âu.

Phó Giáo sư Funabashi nhận xét phương châm phát triển đất nước dựa trên nội lực và hội nhập của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, nhưng nếu phụ thuộc quá nhiều vào FDI để phát triển công nghiệp Việt Nam khó có thể chuyển mình từ vị trí là nước có thu nhập trung bình thành nước có thu nhập cao.

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực tự phát triển công nghệ riêng, xác định thị trường mục tiêu, tập trung xây dựng hệ thống dựa trên “bệ đỡ” công nghiệp lõi và đổi mới từng bước.

Lấy ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ Việt Nam, làm ví dụ, Phó Giáo sư Funabashi chỉ ra quá trình phát triển, đặc điểm cùng những bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Ông khẳng định rằng việc phát triển công nghệ có thể bắt đầu từ việc bắt chước, và quá trình liên tục nghiên cứu phát triển, đầu tư.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xác định thị trường rõ ràng và xây dựng chiến lược dựa trên các nguồn lực và thế mạnh sẵn có, cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ có liên quan.

Phó Giáo sư Funabashi chia sẻ kinh nghiệm quản lý kiểu Nhật, ví dụ từ ngành công nghiệp ôtô, như việc thu thập thông tin và ý kiến từ nhiều bên liên quan, phản hồi góp ý tới cơ sở sản xuất, thử nghiệm phát triển công nghệ, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan như sản xuất, nghiên cứu phát triển và tiếp cận thị trường (marketing). Nhờ cách thức quản lý đó, các công ty có thể tích lũy được các tài nguyên hữu hình và vô hình, và việc phát huy các vốn sẵn có này kết hợp với các nguồn lực khác đã và đang đóng góp vào sự phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp.

Đề cập tới vấn đề chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, cố vấn cao cấp của JICA cho rằng cần nhìn nhận thực tế là những gì mà phía Nhật Bản, cũng như các quốc gia khác, có thể chuyển giao cho Việt Nam sẽ ở một mức độ hạn chế nhất định. Để có thể trở thành nước có thu nhập cao, trước hết Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài và coi đây là bước ban đầu. Sau đó, các công ty tư nhân, đối tượng chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quốc gia, cần phải tự đổi mới để đạt đến một vị thế tốt hơn.

Phó Giáo sư Funabashi cho biết các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương của Việt Nam đang có sự hỗ trợ nhất định cho những công ty tư nhân quy mô nhỏ. Mặc dù các công ty này hiện chưa phải là một phần của ngành công nghiệp quốc gia, nhưng đây chính là những ứng cử viên tiềm năng có thể đóng góp vào cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Để tăng cường năng lực của những công ty đó, giúp họ có thể thâm nhập vào ngành công nghiệp chính là việc mà JICA có thể hỗ trợ.

Trong vai trò là cố vấn cấp cao của JICA, Phó Giáo sư Funabashi gợi ý, JICA có thể kết hợp với Bộ, ngành, các chính quyền địa phương của Việt Nam để cùng nhau tăng cường năng lực nền của các doanh nghiệp nhỏ.

Chuyến công tác của Phó Giáo sư Funabashi nằm trong khuôn khổ chương trình “JICA Chair” được JICA triển khai từ năm 2020, với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ công cuộc hiện đại hóa của Nhật Bản và sự hợp tác phát triển với các quốc gia đang phát triển.

Chương trình này được thực hiện ở các trường đại học và tổ chức nghiên cứu hàng đầu tại các quốc gia đối tác. Tại Việt Nam, chương trình đã được triển khai từ năm 2021, thông qua việc mời các nhà nghiên cứu nổi tiếng của Nhật Bản tổ chức các bài thuyết trình đặc biệt, hội thảo và trao tặng sách tại các trường đại học và tổ chức nghiên cứu quan tâm đến nghiên cứu Nhật Bản./.