Cơ hội vàng cho hợp tác giữa Việt Nam với vùng Umbria của Italy

Vùng Umbria đang đẩy mạnh tiến trình trình quốc tế hóa trong khi Việt Nam hiện là đối tác năng động mà Umbria muốn đẩy mạnh hợp tác về kinh doanh, đầu tư, mở rộng thị trường.

Đại sứ Dương Hải Hưng chụp ảnh lưu niệm với các đại diện tham dự Hội thảo "Bổ trợ kinh tế Việt Nam-Italy: Cơ hội với vùng Umbria." (Ảnh: Thanh Hải-Trường Dụy/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trong khuôn khổ Năm Việt Nam-Italy 2023 nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã tổ chức một loạt hội thảo và tọa đàm về tính bổ trợ và tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và vùng Umbria, cùng các hoạt động xúc tiến kinh tế, thương mại và đầu tư tại vùng Umbria trong các ngày 14-16/4.

Hội thảo “Bổ trợ kinh tế Việt Nam-Italy: cơ hội với vùng Umbria,” được tổ chức cùng sự phối hợp của Liên đoàn giới chủ (Confindustria Umbria) và Cơ quan xuất khẩu vùng Umbria (Umbria Export), có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, Chủ tịch Umbria Export Riccardo Concetti, Tổng Giám đốc Confindustria Umbria Simone Cascioli, cùng đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Italy như Ngân hàng Intesa Sanpaolo, Agrifood Việt Nam, ENI, Leonardo... và nhiều doanh nghiệp của vùng Umbria.

[Dấu ấn tốt đẹp của Năm Việt Nam-Italy 2023 tại vùng Umbria]

Trong diễn văn khai mạc hội thảo, Đại sứ Dương Hải Hưng nêu rõ hội thảo là một trong các hoạt động chủ chốt trong chương trình Năm Việt Nam-Italy 2023 được tổ chức tại vùng Umbria.

Đại sứ nhấn mạnh rằng hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN và Italy là đối tác Liên minh châu Âu (EU) lớn thứ 4 của Việt Nam.

Đại sứ Dương Hải Hưng phát biểu tại "Bổ trợ kinh tế Việt Nam-Italy: Cơ hội với vùng Umbria." (Ảnh: Thanh Hải-Trường Dụy/TTXVN)

Hai nước có rất nhiều thế mạnh và tiềm năng hợp tác cần được khai thác tích cực hơn trong thời gian tới.

Italy và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng về cơ cấu kinh tế với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nền kinh tế hai nước vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng và sản phẩm, sẽ mang lại các giá trị gia tăng to lớn khi hợp tác với nhau.

Hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế mà Italy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghiệp cơ bản, công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, xuất khẩu nông sản, cơ khí chế tạo, kết cấu hạ tầng, vật liệu xây dựng, dầu khí, năng lượng xanh.

Đại diện Ban tổ chức, ông Simone Cascioli cho biết Hội thảo diễn ra đúng thời điểm vùng Umbria đang đẩy mạnh tiến trình trình quốc tế hóa, đồng thời Việt Nam hiện là đối tác năng động mà Umbria muốn đẩy mạnh hợp tác về kinh doanh, đầu tư và mở rộng thị trường.

Ông Cascioli cho biết Liên đoàn Giới chủ Umbria bao gồm khoảng 900 doanh nghiệp với hơn 47.000 người lao động.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng gửi tặng sản phẩm của Việt Nam cho đại diện doanh nghiệp Italy. (Ảnh: Thanh Hải-Trường Dụy/TTXVN)

Mặc dù hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng các doanh nghiệp này có quan hệ quốc tế mạnh mẽ và đang đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa, đặc biệt trong những lĩnh vực như kinh tế xanh, công nghệ cao, robot hóa, tự động hóa, nông nghiệp thông minh và năng lượng tái tạo.

Với nhiều tham luận thực chất, các ý kiến nhất trí cho rằng Hội thảo là cơ hội để trình bày về các tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên, tăng cường kết nối doanh nghiệp, và thúc đẩy cơ hội hợp tác kinh tế không chỉ trong lĩnh vực thương mại, đầu tư mà còn chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cao và trao đổi kinh nghiệm xây dựng thể chế chính sách.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Riccardo Concetti nói: “Khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp vùng Umbria với Việt Nam là rất đa dạng. Trong cuộc gặp ngày hôm nay, chúng tôi đã cùng nhau thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau như trao đổi công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp hay sản xuất ôtô, số hóa và lĩnh vực điện lực, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo tính bền vững, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp. Umbria Export rất vinh dự phối hợp với Confindustria để tổ chức hội thảo quan trọng này, mở đầu cho các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương giữa Việt Nam và Italy. Hai nước có rất nhiều điểm tương đồng về kinh tế cũng như văn hóa. Do đó, khả năng thuận lợi để hiểu biết lẫn nhau là rất tích cực và đầy hứa hẹn. Cuộc gặp ngày hôm nay là rất ý nghĩa bởi qua đó, chúng ta có kênh phối hợp trực tiếp cho các doanh nghiệp Umbria, do Confindustria làm đại diện, với các đối tác Việt Nam.”

Trong dịp này, Đại sứ Dương Hải Hưng cũng đã có các buổi tiếp xúc, trình bày về thành tựu phát triển và giới thiệu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam với giới doanh nghiệp của các thành phố Perugia, Trasimeno, Citta di Castello, Foglino và Gubbio.

Ngoài ra, Đại sứ cũng đã đến tham quan thực tế một số doanh nghiệp truyền thống như Nhà máy dệt Tela Umbria và các cơ sở sản xuất rượu vang nổi tiếng của vùng Umbria.

Đại sứ Dương Hải Hưng tham quan nhà máy dệt Tela Umbria. (Ảnh: Thanh Hải-Trường Dụy/TTXVN)

Đại sứ Dương Hải Hưng cũng đã gặp ông Nicola Modugno - Giám đốc Viện Đào tạo Công nghệ cao Umbria (ITS-Umbria) và tham quan Phòng thí nghiệm Cơ điện tử LABOMEC, được xây dựng tại một trong những khu vực tập trung công nghiệp nhất của lãnh thổ Umbria, với sự hiện diện của nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, ô tô và cơ khí chính xác.

Phòng thí nghiệm này cung cấp cơ sở vật chất cho việc đào tạo thực tiễn các ngành điện tử và công nghệ cao để đáp ứng cho đòi hỏi của thị trường và các doanh nghiệp.

Các hoạt động xúc tiến kinh tế, thương mại và đầu tư do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại vùng Umbria trong Năm Việt Nam 2023 đang tạo ra những cơ hội vàng để giới doanh nghiệp Italy hiểu biết và tiếp xúc với các đại diện của Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cơ khí, di động bền vững, thực phẩm, du lịch, số hóa, phù hợp với hai quá trình chuyển đổi vĩ mô mà châu Âu đang và sẽ trải qua trong những năm tới là sinh thái và kỹ thuật số.

Các mối quan hệ có thể phát triển không chỉ với logic thương mại mà còn với các mô hình kinh doanh có thể tạo ra các công thức hợp tác công nghiệp mới thông qua việc chuyển giao bí quyết và công nghệ./.

Dương Hoa-Thanh Hải-Trường Dụy (TTXVN/Vietnam+)