Cơ hội để lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam cọ xát, 'thử lửa'
Các sỹ quan của các quốc gia khi tham gia cùng ở các phái bộ rất ngưỡng mộ sỹ quan Việt Nam ở khả năng thích ứng cao, kinh nghiệm trong các hoạt động mang tính tác chiến, hoạt động hằng ngày.
Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 chính thức ra mắt ngày 17/11/2021.
Cùng với Bệnh viện dã chiến cấp 2, Đội Công binh của Việt Nam sẽ góp phần cung cấp các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, giúp các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực hiện nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc gìn giữ hòa bình, tái thiết đất nước, mang lại cuộc sống hòa bình, ổn định cho các quốc gia bản địa, đồng thời góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay từ trong thời bình.
Ngày 27/4, Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 xuất quân lên đường tới phái bộ tại Abyei và Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng là lần triển khai đội hình đơn vị tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với quân số lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
[Chuẩn bị xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4]
Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), để làm rõ hơn những thông tin xoay quanh sự kiện ý nghĩa này.
- Thiếu tướng đánh giá như thế nào về những đóng góp và những dấu ấn của Việt Nam thời gian qua trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như trong hoạt động đối ngoại quốc phòng?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương rất lớn của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng để chúng ta hội nhập quốc tế ở mức độ cao hơn.
Trong 8 năm qua, được sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam vinh dự là lực lượng đầu tiên được cử tham gia nhiệm vụ quốc tế này. Đây là một nhiệm vụ mới, rất quan trọng bởi không chỉ đóng góp trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng hay hợp tác quốc tế mà thực chất chúng ta mang những kiến thức về quân sự, kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước trước đây vào một giai đoạn phát triển mới, hội nhập quốc tế trong môi trường đa phương, đòi hỏi có trình độ, năng lực phối hợp, cùng hành động giải quyết các xung đột, hậu quả, thách thức phi truyền thống mà nhân loại đang phải cùng đối phó.
Trong suốt 8 năm qua, chúng ta đã khẳng định được sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu của Liên hợp quốc, xứng đáng là sứ giả hòa bình, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ hội nhập.
Đặc biệt, các sỹ quan của các quốc gia khi tham gia cùng chúng ta ở các phái bộ rất ngưỡng mộ sỹ quan Việt Nam ở khả năng thích ứng cao, kinh nghiệm trong các hoạt động mang tính tác chiến, hoạt động hằng ngày, đảm bảo sinh tồn.
Ngoài ra, bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã tạo được uy tín rất cao, thậm chí tại Nam Sudan chúng ta hoạt động ở Bentiu nhưng các sỹ quan hoạt động ở thủ đô Juba cũng mong muốn được điều trị ở bệnh viện dã chiến của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sỹ quan của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong thời gian qua đã có bước trưởng thành rất lớn. Các phái bộ tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi hay Abyei là những địa bàn để sỹ quan của Việt Nam cọ xát, "thử lửa" trực tiếp với các thách thức hiện hữu ở địa bàn. Từ khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đến nay, sỹ quan của chúng ta có năng lực giải quyết tốt các thách thức, xung đột này, được lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá rất cao.
Chúng ta cũng được bạn bè quốc tế tại địa bàn đánh giá cao, nể phục về năng lực; được nhân dân nước sở tại yêu quý, ngưỡng mộ vì chúng ta đã triển khai thành công rất nhiều hoạt động, nhất là hoạt động dân vận mà trước đây ở các phái bộ chưa có.
Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ gần dân, hỗ trợ nhân dân trồng rau, chăm sóc trẻ em, hỗ trợ các sỹ quan của quốc gia khác và người dân trên địa bàn phái bộ phòng, chống dịch và may khẩu trang trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp... là những điểm mạnh, tích cực giúp chúng ta nhận được sự yêu mến của bè bạn quốc tế.
Cùng với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, lần này Việt Nam triển khai thêm Đội Công binh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là một đội hình rất lớn với 184 đồng chí, sẽ có những đóng góp ở lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh là công binh.
Tôi tin tưởng với kinh nghiệm 8 năm qua, với những kết quả Việt Nam đã đạt được khi triển khai các đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2, Việt Nam sẽ thành công khi triển khai Đội Công binh tại địa bàn phái bộ ở Abyei.
- Với việc Đội Công binh số 1 xuất quân lên đường tới Phái bộ lực lượng an ninh lâm thời tại Abyei (UNISFA), đây là lần đầu tiên kể từ khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Việt Nam có đội Công binh tham gia hoạt động này, cũng là lần triển khai đội hình với quy mô lớn nhất. Theo Thiếu tướng, nhiệm vụ đặc biệt này đặt ra những thuận lợi và thách thức như thế nào?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Liên hợp quốc đã cử đoàn khảo sát sang Việt Nam và nhìn thấy năng lực của công binh Việt Nam, với trang thiết bị sẵn có và năng lực vận hành phương tiện. Trong số 15 đội công binh của các nước, họ đã chọn Việt Nam.
Với 184 cán bộ, sỹ quan sắp sửa lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thành công tại phái bộ này như đã thành công ở Phái bộ Nam Sudan.
Việc triển khai đội hình lớn như Đội Công binh gồm 184 cán bộ, sỹ quan là một thách thức lớn với chúng ta. Điều đó khác hẳn so với khi cử cá nhân hoạt động độc lập hoặc quy mô cấp nhỏ như bệnh viện dã chiến cấp 2.
Tuy nhiên, chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong vòng 5 năm, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, sức khỏe, năng lực, trình độ tiếng Anh và khả năng hợp tác quốc tế, để có một đội hình được Liên hợp quốc đánh giá rất cao.
Họ chấm điểm và đánh giá rằng chúng ta là đơn vị xuất sắc nhất trong số 15 đơn vị của các quốc gia có mong muốn được tuyển chọn tham gia gìn giữ hòa bình ở phái bộ tại Abyei.
Việc cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam có đầy đủ năng lực và đáp ứng được các yêu cầu của Liên hợp quốc là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu để tuyển chọn thành viên từ các đầu mối trong toàn quân, đặc biệt Đội Công binh có tỷ lệ nữ khá cao so với yêu cầu của Liên hợp quốc. Trong đó, một số sỹ quan từng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở các nhiệm kỳ trước, trên cương vị hoạt động độc lập tại Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, nay trở thành nòng cốt của công binh và quân y.
Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng công binh Việt Nam đã xây dựng những công trình phức tạp hơn nhiều và hiện nay là xây dựng các công trình quốc phòng bảo vệ đất nước.
Tôi tin tưởng rằng với sự chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt, Đội Công binh của Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao phó và đáp ứng mong đợi của Liên hợp quốc.
- Thiếu tướng có thể chia sẻ thêm về những nhiệm vụ lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Theo Nghị quyết 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thời gian tới Việt Nam sẽ mở rộng lực lượng, không dừng lại ở quân y, công binh hay sỹ quan hoạt động độc lập mà sẽ cố gắng xây dựng thêm thêm lực lượng bộ binh, kiểm soát quân sự, công an, dân sự... tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Chúng ta sẽ lựa chọn các hình thức tham gia và phái bộ phù hợp, nhưng tiêu chí được đặt lên đầu tiên là đảm bảo an ninh, an toàn cho các lực lượng tham gia, đảm bảo chắc thắng trong mỗi mặt trận mở ra; nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc.
- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng./.