Cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu sản phẩm Halal
Tổng lãnh sự quán Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh thông cho biết: Thị trường Halal đã không ngừng phát triển để đáp ứng được nhu cầu ngày một lớn của dân số Hồi giáo trên thế giới.
Thị trường dành cho người Hồi giáo ở Malaysia nói riêng, thị trường Halal nói chung còn nhiều tiềm năng phát triển, là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hoá thị trường.
Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Xúc tiến Thương mại Malaysia (MATRADE) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31/5.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC, cho biết: Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia có sự tương đồng về văn hóa cũng như những đặc điểm địa lý. Có thể khẳng định Việt Nam-Malaysia còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Nếu vào năm 2011, Việt Nam chỉ là đối tác thương mại thứ 14 của Malaysia với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 7,2 tỷ USD thì đến năm 2023 tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Malaysia đã đạt 12,67 tỷ USD.
Trong đó, kim ngach xuất khẩu Việt Nam sang Malaysia đạt 4,86 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia.
Cả hai nước đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và triển vọng hợp tác rất lớn của hai nước
Theo ông Đào Minh Chánh, Malaysia là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam tại khu vực Asean. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, riêng 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Malaysia đạt 4,9 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 1,6 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Malaysia bao gồm máy móc thiết bị và phụ tùng; máy vi tính; điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; xăng dầu, hóa chất...
Ngành công nghiệp Halal là ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, bao gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch và thủy sản… Hiện nay, ngành công nghiệp này ngày càng phát triển, trên thế giới hiện có hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi, đây là cơ hội để sản phẩm gia cầm Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Firdauz Othman, Tổng lãnh sự quán Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thị trường Halal đã không ngừng phát triển để đáp ứng được nhu cầu ngày một lớn của dân số Hồi giáo trên thế giới.
Dựa vào Chỉ số kinh tế Hồi giáo toàn cầu (GIE), dân số Hồi giáo được dự đoán sẽ tăng từ 1,8 tỷ người vào năm 2017 lên con số 3 tỷ người vào năm 2060. Thị trường khổng lồ này bao gồm rất nhiều lĩnh vực như: thực phẩm và đồ uống, tài chính, thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch và giải trí.
Riêng về mảng thực phẩm Halal, là thị trường đang phát triển với tốc độ rất nhanh, được dự báo sẽ đạt giá trị vào khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi.
Ngày nay, tiêu chuẩn Halal đã được toàn cầu chấp nhận trên phạm vi toàn cầu đặc biệt là về sự vệ sinh và an toàn. Việc này đã mang đến những cơ hội to lớn cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal.
Theo ông Firdauz Othman, các mặt hàng Việt Nam-Malaysia trao đổi nhiều nhất thời gian qua là hàng điện-điện tử, xăng dầu, hóa chất, kim loại và nông sản.
Cùng với xu hướng phát triển mới, các lĩnh vực hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác thời gian tới là chăm sóc sức khoẻ, năng lượng tái tạo, bán lẻ, hoá dầu và công nghệ thông tin.
Nhìn thấy được triển vọng thị trường, Chính phủ Việt Nam đã đặt sự quan tâm lớn đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có thể tiến vào thị trường Halal toàn cầu. Rất nhiều sáng kiến và chính sách đã được đặt ra để thúc đẩy sự phát triển của ngành Halal tại Việt Nam.
“Malaysia là một trong những quốc gia tiên phong trong ngành Halal đặc biệt là về mảng tài chính và ngành lương thực, thực phẩm. Malaysia có một môi trường kinh thế thân thiện cũng như lợi thế cạnh tranh trong việc có mức độ tín nhiệm cao về việc chứng nhận Halal được chấp nhận bởi hầu hết các thị trường Hồi giáo trên toàn thế giới. Để khai thác tiềm năng trong lĩnh vực Halal, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và phát triển sản phẩm đạt chứng nhận Halal, đồng thời tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại dành riêng cho sản phẩm Halal,” Firdauz Othman chia sẻ thêm.
Các doanh nghiệp có kinh nghiệm kinh doanh sản phẩm Halal cho biết: Các xu hướng Halal năm 2024 sẽ góp phần định hình lại môi trường kinh doanh Halal toàn cầu tạo ra cơ hội mới song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng.
Thị trường Halal đang chuyển dịch từ tư duy chỉ quan tâm tới sản phẩm Halal sang xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng Halal. Theo đó, các tiêu chuẩn Halal cần được mở rộng kiểm soát từ nguồn đến nơi người tiêu dùng mua hàng như các nhà bán lẻ, nhà hàng, mua sắm trực tuyến. Doanh nghiệp và bên cung ứng cần xây dựng thương hiệu Halal uy tín trên cơ sở chất lượng sản phẩm và chất lượng của toàn bộ chuỗi giá trị kinh doanh Halal nhằm khai thác khu vực thị trường này một cách hiệu quả nhất./.