Có hiện tượng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc quản lý, cấp phép hành nghề y dược hiện nay đang có nhiều vấn đề nổi cộm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tình trạng thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, nhiều người xưng danh bác sỹ để bán thực phẩm chức năng.... là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 11/11.

Thực phẩm chức năng chất lượng kém đang tràn lan

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nêu vấn đề về thực trạng về thực phẩm chức năng vẫn tràn lan trên thị trường với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí có chứa chất cấm khiến cử tri vô cùng lo lắng, bức xúc. Với thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ lỗ hổng và có các giải pháp căn cơ như thế nào?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng đến nay cơ bản đáp ứng. Chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến thực phẩm chức năng…

Bộ trưởng nêu rõ, nếu sản xuất thực phẩm chức năng tốt thì đây là lợi thế để chúng ta xuất khẩu, trong đó các loại vitamin. Hiện nay thực phẩm chức năng của nước ta đã xuất khẩu ở trên 30 nước trên thế giới. Đây sẽ là thế mạnh nếu nước ta quan tâm và đầu tư tốt vào lĩnh vực này.

"Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có trường hợp lách quy định của luật để buôn bán thực phẩm chức năng giả hoặc thổi phồng công dụng, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng bởi sản xuất thực phẩm chức năng, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận cao. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng cường quản lý các mặt hàng này. Bộ Y tế đã triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật, trong đó rà soát các quy định pháp luật để đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp," Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu.

Bộ trưởng cũng cho biết trước đây có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, qua thanh lọc chỉ có 201 cơ sở thực hiện đúng theo quy định về sản xuất và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các quy định về xử phạt về sản xuất, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng đã quy định rõ trong Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389, Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý các website bán hàng; đồng thời cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vấn đề quảng cáo để có giải pháp chấn chỉnh cụ thể đối với từng vi phạm, liên quan tới việc tuyên truyền, quảng cáo, bán các sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu.

Còn đối với những người vi phạm, Bộ Y tế cũng có cảnh báo, gửi công văn đến đến các bộ ngành liên quan để kịp thời xử lý.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay việc quảng cáo trên các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị xử lý nghiêm khắc các doanh nghiệp vi phạm để làm gương như biện pháp cấm xuất cảnh.

Cũng liên quan đến chất vấn của đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, quản lý thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm trên thị trường đã được quy định trong Luật Dược. Các quy định của pháp luật tương đối đầy đủ để tăng cường quản lý vấn đề này.

Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có trường hợp lách luật để buôn bán thực phẩm chức năng giả, hoặc thổi phồng công dụng. Bộ Y tế cũng đã tăng cường kiểm soát các mặt hàng này đồng thời rà soát các quy định pháp luật để đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp.

Tình trạng bác sĩ “rởm” hành nghề vẫn phức tạp

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Y tế, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) nêu, việc những người mặc áo blue trắng xưng danh bác sĩ bệnh viện thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng có phù hợp theo quy định hay không? Nếu sai sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết hiện nay quảng cáo liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm… đều đã có đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan tới nội dung này. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định rất rõ các mức độ liên quan tới xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định việc sử dụng các hình ảnh y bác sĩ bệnh viện để thực hiện quảng cáo là sai quy định. Về phía Bộ Y tế đã có văn bản gửi tới tất cả các Sở Y tế cũng như các cơ sở y tế trên toàn quốc để nhắc nhở và đề nghị mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế không tham gia quảng cáo sai quy định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Khang Thị Mào đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) phản ánh tình trạng bác sĩ “dởm” hành nghề vẫn phức tạp, nhất là các cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài, ai sẽ chịu trách nhiệm…

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, thời gian qua, nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám, phòng mạch bác sĩ có yếu tố nước ngoài… treo bảng hiệu điều trị nhiều loại bệnh, trong đó không ít bác sĩ không có bằng cấp cũng như giấy phép hành nghề. Thực trạng này khiến bệnh nhân không biết đâu mà lường, thậm chí đã xảy ra các trường hợp đáng tiếc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định nhiều điều cấm trong việc hành nghề của đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có những hiện tượng trá hình.

Cụ thể, về việc cấp phép cho các cơ sở y tế tư nhân, hiện nay Bộ Y tế sẽ cấp phép hoạt động cho các cơ sở thuộc Bộ Y tế quản lý. Từ 1/1/2027, phần cấp phép cho bệnh viện tư nhân cũng sẽ bàn giao cho Sở Y tế các tỉnh. Còn địa phương hiện đang quản lý, cấp phép cho các loại hình còn lại.

“Thực tế, dọc đường Giải Phóng - Hà Nội trước kia có rất nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài, nhưng thời gian gần đây địa phương đã quyết liệt rà soát và chấn chỉnh nên tình trạng sai phạm đã giảm nhiều,” Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các phòng khám, cơ sở y tế thuộc quyền quản lý. Nếu phát hiện có sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Y tế mong được chia sẻ khó khăn vì hiện nay, đội ngũ quản lý hành nghề của ngành y tế rất mỏng. Ở nhiều địa phương, kể cả nhân sự làm công tác quản lý dược, quản lý cơ sở bán thuốc, chỉ có vài người./.