Cô giáo vượt hơn 70 km mỗi ngày để “gieo chữ” cho học trò vùng khó
Mỗi ngày của cô Trang bắt đầu từ 5 giờ sáng, vượt cung đường 36 km đến với học trò Tân Yên - một xã vùng III của Lạng Sơn, chiều lại vượt 35 km về với gia đình.
Mỗi ngày của cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở Tân Yên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đều dậy từ 5 giờ sáng, vượt quãng đường 36 km để đến với học trò và buổi chiều lại vượt 36 km để về với gia đình.
Tân Yên là xã vùng III cách xa trung tâm huyện khoảng 36 km. Đường đi đến trường còn phải qua cầu ngầm bắc qua suối. Mỗi mùa mưa đến, cầu bị ngập, đi lại rất nguy hiểm, đường dốc nhiều và quanh co, lại đang trong quá trình sửa chữa do xuống cấp nên đi lại rất khó khăn.
“Nhưng như thế đã là thuận lợi hơn nhiều bởi trước đây chỉ là đường đất, ngày mưa lầy lội và trơn trượt, có những khi phải gửi nhờ xe ở nhà dân để cuốc bộ đến trường,” cô Trang chia sẻ.
Cú sốc của cô giáo trẻ
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh-Địa tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô Trang bảo đã thấy rất hạnh phúc khi năm 2012, cô thi đỗ tuyển dụng viên chức sự nghiệp tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở Tân Yên, cùng ở huyện Tràng Định – nơi cô lớn lên.
“Cùng huyện nhưng cách nhà 36 km nên tôi chưa bao giờ đến Tân Yên cho tới khi nhận công tác về trường. Cung đường bùn đất, vũng lầy, trơn trượt cứ như kéo dài ra mãi. Đến nơi, tôi càng choáng váng hơn về cơ sở vật chất khi trường, lớp chỉ là những phên tre tạm bợ, thiết bị dạy học là tấm bản đồ cũ kỹ đã mục nát theo thời gian,” cô Trang chia sẻ.
Lớp học tranh tre nứa lá nên mùa hè, nắng chiếu tứ phía vô cùng nóng bức. Mùa mưa, nền lớp học lầy lội bùn, cô và trò cũng phải chạy trú mưa cho khỏi ướt. Mùa đông lạnh giá, gió lùa qua khe nứa rét buốt, các em học sinh không đủ áo ấm, cô và trò lại chụm lại cùng nhau co ro bên bếp củi giữa lớp, khói than mù mịt, mặt ai cũng lem nhem, ám khói. Có những khi đang học, rắn độc bò vào trong lớp khiến cô trò hoảng sợ bỏ chạy, những lần gió bão làm đổ cả tường phên.
Đa phần gia đình các em học sinh thuộc hộ nghèo, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nương rẫy nên sự quan tâm tới việc học tập của con cái còn hạn chế. Nhiều học sinh phải đến trường với chiếc bụng đói nên không thể tập trung cho việc học. Nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ dở học hành. Cô Trang lại lặn lội vượt núi, băng rừng đến nhà từng em để động viên, giúp đỡ các em tiếp tục đến đường.
“Sau gần 20 năm, đường đến trường đã được trải nhựa, lớp học khang trang hơn, thiết bị dạy học ngày càng đầy đủ. Kinh tế khá lên, phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc học hành của con em và tỷ lệ chuyên cần đã tăng lên, chất lượng giáo dục vì thế được đảm bảo hơn và thầy cô cũng bớt đi phần nào những nhọc nhằn. Tuy nhiên, lớp học vẫn chỉ là những bức tường nhựa, mùa hè vô cùng nóng bức,” cô Trang chia sẻ.
Cô giáo đa năng
Học sư phạm ngành Sinh-Địa nên hiện cô Trang vừa đảm nhiệm dạy nội dung liên quan đến môn Sinh học trong môn Khoa học Tự nhiên, vừa dạy phần Địa lý trong môn Lịch sử-Địa lý. Cô còn là giáo viên chủ nhiệm, Tổ trưởng chuyên môn cấp Trung học cơ sở, phụ trách hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học, tham gia công tác phổ cập giáo dục, trực bán trú.
Do địa phương thiếu giáo viên nên trong năm học 2023-2024, cô Trang còn phải thực hiện giảng dạy liên trường tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học cơ sở Bắc Ái I, cũng là trường vùng III, đường xá đã xuống cấp, đi lại vô cùng khó khăn…
“Mặc dù nhiệm vụ được giao đã vượt quá số tiết định mức nhưng yêu trường, yêu lớp, với tình yêu thương học sinh, lòng nhiệt huyết với nghề, tôi sẵn sàng giúp đỡ đơn vị trường bạn trong tình hình hiện tại ngành Giáo dục đang thiếu nhiều giáo viên. Bản thân tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được sự tin tưởng của ban giám hiệu nhà trường, để tôi có cơ hội cống hiến, phát triển bản thân và trưởng thành hơn,” cô Trang chia sẻ.
Cô cũng luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong cách dạy và học như áp dụng phương pháp dạy học STEM, giúp học sinh được vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, giúp các em khắc sâu được kiến thức, giải quyết hiện tượng thực tế và ứng dụng kiến thức đã học vào trong học tập và đời sống hàng ngày. Cô mạnh dạn tổ chức các giờ học trải nghiệm ngoài trời để kích thích sự sáng tạo của học sinh, giúp các em hứng thú hơn, học tập hiệu quả hơn.
Dù là trường thuộc xã vùng III nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng trong những năm qua, cô Trang đã luôn đồng hành cùng những học trò của mình đạt nhiều thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Những đề tài bắt nguồn từ chính thực tiễn cuộc sống xung quanh. Năm học 2024-2025 này, cô Trang và các học sinh đang thực hiện đề tài chiết xuất dịch chiết từ hạt na để làm thuốc diệt gián. Đề tài lấy ý tưởng từ việc các học sinh nội trú bị lây chấy và phải dùng nước nấu hạt na để gội đầu diệt chấy..
“Tôi yêu nghề giáo, bởi tôi yêu quý các em học sinh, yêu quý những ánh mắt thơ ngây như biết nói của các em, mong muốn dạy bảo các em ngày càng trưởng thành, mong muốn bồi đắp thêm những ước mơ cho các em, đặc biệt khi các em là học sinh vùng dân tộc thiểu số, đời sống vật chất còn thiếu thốn và còn gặp nhiều khó khăn trong học tập,” cô Trang xúc động nói./.