Cơ chế DPPA thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam
Cơ chế DPPA là bước đi có tính đột phá trong lộ trình xác lập thị trường điện cạnh tranh, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn các nhà cung cấp điện để đạt được chứng chỉ sản xuất Xanh.
Chiều 5/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng
Ngày 3/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đây là bước đi có tính đột phá trong lộ trình xác lập thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất có cơ hội lựa chọn các nhà cung cấp điện để đạt được chứng chỉ sản xuất Xanh trong một thế giới đầy biến động.
Tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 2 hình thức, gồm: Mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua Đường dây kết nối riêng giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn theo quy định tại Chương II Nghị định này.
Trong khi đó, mua bán điện trực tiếp qua lưới điện Quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định này bao gồm: Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Hơn nữa, khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu; Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn.
Đáng chú ý, các khách hàng sử dụng từ 200.000kWh điện/tháng sẽ được tham gia cơ chế DPPA (tại dự thảo trước đó, khách hàng sử dụng phải từ 500.000kWWh/tháng mới được tham gia cơ chế DPPA).
Ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nhấn mạnh, việc ban hành Cơ chế DPPA thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, tập đoàn liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế/chính sách tiên tiến, công bằng, minh bạch, tạo động lực để thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Đồng bộ để triển khai
Cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ lần đầu tiên cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện bên cạnh bán điện cho các Tổng công ty điện lực. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động của đơn vị phát điện (hoặc chủ đầu tư dự án điện) không xung đột hoặc phá vỡ kế hoạch và mục tiêu chiến lược mà Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đang áp dụng.
Việc quy định tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư là điều kiện tiên quyết để các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trong cả hai chính sách mua bán điện tham gia Cơ chế này. Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định cơ chế DPPA là bước rất quan trọng để thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh Việt Nam.
“Hiện EVN đã tổ chức rà soát các quy trình nội bộ, trong tháng 7 này, EVN sẽ hoàn thiện để làm sao phù hợp với các quy định của Nghị định cũng như các pháp luật liên quan, để trong nội bộ tập đoàn, các đơn vị thành viên Tổng công ty, các Tổng công ty mua bán điện sẽ có triển khai được ngay," ông Võ Quang Lâm cho biết.
Về phía Bộ Công Thương, để đảm bảo cơ chế DPPA được triển khai một cách hiệu lực và hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị định, trong đó chú trọng các nhiệm vụ về kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng mua bán điện theo hình thức trực tiếp cũng như giải quyết các khiếu nại, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai cơ chế này theo phạm vi khu vực quản lý.
Bộ trưởng yêu cầu EVN và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong cơ chế DPPA, xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và tính toán thanh toán, hóa đơn cho khách hàng khi tham gia cơ chế DPPA cũng như thực hiện tốt chức năng quản trị việc đăng ký tham gia và hướng dẫn các đơn vị trong việc tham gia cơ chế DPPA qua lưới điện quốc gia, kiểm tra, giám sát các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn và liên tục.
Lãnh đạo Bộ Công Thương giao các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tập trung làm tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Nghị định; khẩn trương xây dựng hướng dẫn quy trình triển khai theo chức năng và nhiệm vụ; Định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện theo nhiệm vụ được phân công và kịp thời tham mưu với lãnh đạo bộ và cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/7/2024. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến nội dung của Nghị định và đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân triển khai cơ chế này./.