Cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ Chương trình Mục tiêu Quốc gia

Năm 2024, Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia tiếp tục có biện pháp quyết liệt, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao và giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã ký Quyết định số 54/QĐ-BCĐCTMTQG ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo này.

Theo Chương trình, năm 2024, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1945/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 18/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 27/1/2022 của Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 13/3/2024 của Văn phòng Chính phủ về Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Trong đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn; triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại các địa phương; kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Ban Chỉ đạo tập trung triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao; chủ động nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc của địa phương theo thẩm quyền.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành các Chương trình Mục tiêu Quốc gia từ trung ương đến cơ sở.

Bên cạnh đó, tiếp tục có biện pháp quyết liệt để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao, quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao trong năm 2024 (bao gồm cả nguồn vốn ngân sách nhà nước đã giao năm 2022, 2023 được chuyển sang tiếp tục thực hiện năm 2024).

Nhiệm vụ tiếp theo là nâng cao việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương để quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia./.