Chuyên gia Trung Quốc đánh giá thận trọng về tình hình kinh tế

Tiến sỹ kinh tế học, giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Wan Zhe nhận định mặc dù kinh tế Trung Quốc đã đạt được sự ổn định theo từng giai đoạn, nhưng vẫn phải đối mặt với một số áp lực và thách thức.

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất dây buộc ở Huimin, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bài viết đăng trên trang Global Times ngày 19/10, Tiến sỹ kinh tế học, giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Wan Zhe, cho biết trong ba quý đầu năm 2024 GDP của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, trong quý 3, nền kinh tế này tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,9% so với quý trước.

Tăng trưởng kinh tế quý 3 của Trung Quốc cơ bản phù hợp với dự báo của thị trường. Mặc dù đã đạt được sự ổn định theo từng giai đoạn, nhưng vẫn phải đối mặt với một số áp lực và thách thức.

Trên toàn cầu, các nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới đã bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất, phản ánh xu hướng suy giảm kinh tế toàn cầu.

Xu hướng phát triển ngành chế tạo chậm lại khá rõ rệt, có ảnh hưởng nhất định đối với xuất khẩu của Trung Quốc.

Xét về triển vọng phát triển kinh tế cả năm, GDP quý 3 của Trung Quốc có thể là mức thấp nhất trong năm, trong khi tăng trưởng kinh tế quý IV rất có thể sẽ phục hồi ổn định.

Hơn nữa, một loạt các chính sách liên quan được công bố có thể được thực hiện trong quý 4, vì vậy có thể tự tin hơn về tương lai kinh tế Trung Quốc.

Vào tháng 9/2024, với sự hỗ trợ của chính sách, sản xuất công nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng tăng trở lại, đầu tư tài sản cố định ổn định và tình hình việc làm được cải thiện. Điều này cho thấy trong quá trình chuyển đổi nâng cấp kinh tế, vừa có áp lực vừa gặp cơ hội, hỗ trợ chính sách vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Đánh giá từ một loạt các chính sách được ban hành gần đây, chính phủ Trung Quốc đã khá rõ ràng về các vấn đề gặp phải trong hoạt động kinh tế hiện tại, thể hiện ý chí kiên định tìm ra con đường đúng đắn để đạt được mục tiêu và giải quyết vấn đề.

Các chính sách hoặc trợ cấp thiết thực thúc đẩy nhu cầu trong nước và ổn định thị trường nhà ở của Trung Quốc đã thực sự phát huy tác dụng.

Trọng tâm của chính sách tổng thể là chuyển từ "phòng ngừa rủi ro" sang "giảm thiểu rủi ro."

Trong bốn thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng với nhiều kinh nghiệm thành công nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Chính vì vậy, chính sách "phòng chống rủi ro" không ngừng được đưa ra nhằm kiểm tra, khắc phục những thiếu sót trong các ngành, khu vực.

Tuy nhiên, "phòng chống rủi ro" cũng phải đối mặt với ba vấn đề:

Thứ nhất, một số rủi ro đã hình thành trong một thời gian dài. Mặc dù các điểm rủi ro mới đã được loại bỏ trong những năm gần đây, sự tồn tại của các rủi ro vốn có vẫn đòi hỏi một loạt các giải pháp.

Thứ hai, trong chu kỳ kinh tế đi lên, một số điểm rủi ro sẽ bị nhấn chìm hoặc "hòa tan" trong tăng trưởng kinh tế. Nhưng khi chính trị và kinh tế toàn cầu chịu áp lực lớn hơn, bản thân thị trường ít có khả năng giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng. Do đó, những điểm rủi ro này có nhiều khả năng bùng phát và thậm chí gây ra phản ứng dây chuyền.

Thứ ba, các chính sách "phòng ngừa rủi ro" có xu hướng thắt chặt, trong khi trong giai đoạn chuyển đổi, các chính sách nới lỏng và mở rộng là cần thiết hơn. Do đó, "phòng ngừa rủi ro" là một nỗ lực lâu dài, nhưng hiện tại tập trung vào "giảm thiểu rủi ro" có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề thực tế và ngăn chặn các rủi ro trong quá khứ gây ra rủi ro mới. Nó cũng có thể thúc đẩy niềm tin thị trường và tận dụng tốt hơn tác động của "điều chỉnh nghịch chu kỳ"./.