Chuyên gia nhận định giá dầu thô có thể biến động mạnh hơn trong năm 2024
Những hoài nghi về kinh tế Trung Quốc có thể là mối quan ngại lớn nhất của thị trường dầu mỏ trong năm 2024, sau đó là việc Mỹ tiếp tục duy trì sản lượng nhưng không ở mức tăng vọt như năm ngoái.
Giá dầu thô đã giảm 10% trong năm 2023 và có thể biến động mạnh hơn trong năm nay.
Các nhà phân tích cho rằng những yếu tố vốn là nguồn gốc gây biến động thị trường dầu mỏ thế giới trong năm ngoái tiếp tục là nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn trong năm nay, từ sự suy yếu trong kiểm soát giá của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đến việc kinh tế Trung Quốc suy giảm.
Theo nhận định của giới chuyên gia trong bài viết đăng tải trên báo điện tử Business Insider (Mỹ) ngày 1/1, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã không thể thúc đẩy tăng giá dầu bằng cách giảm sản lượng, trong đó một phần nguyên nhân là do các nước ngoài OPEC như Mỹ, Brazil và Guyana vẫn tăng nguồn cung.
Trong khi đó, những cam kết mới từ OPEC+ về việc gia hạn cắt giảm sản lượng đến đầu năm 2024 khó có thể thực hiện được.
Các nhà phân tích cho rằng khả năng hợp tác và quản lý thị trường của OPEC+ đang gặp trở ngại khi tại cuộc họp mới đây nhất vào tháng 11/2023, các thành viên của tổ chức này không thể nhất trí về việc cắt giảm sản lượng khai thác, trong khi Angola tuyên bố sẽ rời khỏi OPEC.
Nhà phân tích trong lĩnh vực dầu mỏ Hunter Kornfeind thuộc công ty tư vấn Rapidan Energy nhận định rủi ro chính đối với thị trường dầu mỏ thế giới là thiếu sự gắn kết trong OPEC.
Bài viết cũng cho rằng Saudi Arabia, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu trong OPEC, đang có những ưu tiên khác có thể ngăn nước này tăng nguồn cung khiến giá dầu và lợi nhuận giảm.
Nhà phân tích trong lĩnh vực dầu mỏ Homayoun Falakshahi thuộc công ty nghiên cứu Kpler cho rằng Saudi Arabia có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai vào cuối thập niên này như Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á 2029, Hội chợ Triển lãm Thế giới 2030 (World Expo 2030), World Cup 2034, những hoạt động cần rất nhiều tiền và ngân sách của đất nước vốn phụ thuộc vào dầu mỏ.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản, khủng hoảng nợ và tăng trưởng yếu sau đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu giảm sút.
Nhà giao dịch Rebecca Babin tại Công ty Tư vấn Tài chính CIBC Private Wealth cho rằng những hoài nghi về nền kinh tế Trung Quốc sẽ là mối quan ngại lớn nhất của thị trường dầu mỏ trong năm 2024, sau đó là việc Mỹ tiếp tục duy trì sản lượng nhưng không ở mức tăng vọt như năm ngoái.
Tuy nhiên, nhà phân tích Falakshahi dự báo nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng hằng năm nhưng không nhiều./.