Chuyên gia lưu ý những việc làm cần thiết cho cơ thể sau khi uống rượu
Mặc dù được cảnh báo rất nhiều, nhưng số các ca ngộ độc rượu vào cấp cứu vẫn có xu hướng gia tăng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia.
Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ bia rượu tăng lên khiến nhiều cơ sở trà trộn, buôn bán rượu kém chất lượng, pha chế bằng cồn công nghiệp khiến người dân có nguy cơ ngộ độc rượu rất cao… Do đó, mỗi người dân cần hiểu rõ hơn về các loại rượu để giữ gìn sức khoẻ cho mình được tốt nhất.
Mối lo rượu rởm pha cồn công nghiệp methanol
Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) phân tích, về cơ bản thì rượu là chất có hại cho sức khỏe, tác dụng có lợi rất ít trong trường hợp dùng 1-2 ly rượu vang/ngày. Rượu là một trong những chất gây ra số lượng bệnh tật nhiều nhất trong các loại chất mà con người sử dụng và tiếp xúc.
Nguy hiểm hơn, bản chất rượu chính là một chất gây nghiện được con người thỏa hiệp từ trước đến nay. Nó gây mất kiểm soát hành vi, càng dùng nhiều thì càng bị phụ thuộc nhiều, ngày càng tăng liều lên, từ uống ít dần dần có thể uống nhiều hơn.
“Rượu là một chất độc hại ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể. Rượu với tác hại có thể ảnh hưởng đến não, chức năng hô hấp, tim mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt... và đặc biệt nhất có thể làm mất khả năng kiểm soát của người uống,” bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Mặc dù được cảnh báo rất nhiều, nhưng các ca ngộ độc rượu vào cấp cứu vẫn nhiều, có xu hướng gia tăng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia gia tăng.
Gần một tháng trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Trung tâm Chống độc tiếp nhận nhiều ca uống phải rượu rởm pha cồn công nghiệp Methanol đã bị biến chứng dẫn tới mù mắt. Đa số các trường hợp ngộ độc Methanol là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Những loại rượu này chủ yếu bán trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí đưa vào cả các quán nhậu.
Đáng lo ngại, tình trạng ngộ độc Methanol do uống phải rượu “rởm” khiến người uống không biết, ngộ độc rượu có chứa cồn Methanol lại diễn ra chậm và âm thầm nên đa số bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt; tỷ lệ tử vong lên tới 30-50%.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, các ca ngộ độc rượu thường ở tình trạng ngộ độc cấp do uống một lần quá nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian quá dài. Là chất tác động lên thần kinh, rượu khi vào cơ thể sẽ làm não mất khả năng kiểm soát.
Việc phân biệt rượu Ethanol và Methanol rất khó. Bởi rượu Methanol rất giống với rượu Ethanol thông thường, thậm chí rượu Methanol còn ngọt, dễ uống hơn. Ngay khi mới uống, cảm giác của người uống cũng giống với say rượu nên khó phân biệt. Tuy nhiên, nếu ngộ độc Methanol, khoảng 1-2 ngày sau uống mới có biểu hiện như: Mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh, co giật, hôn mê… đa số khi đến viện cấp cứu thì đã bị muộn, nặng, thậm chí dễ tử vong.
Với rượu thông thường (Ethanol) khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa, đào thải nhanh; tuy nhiên, với rượu “rởm” pha chế bằng cồn công nghiệp (Methanol) thì lại có tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm, có khi tới 7-8 ngày sau uống, chất này vẫn có thể tồn tại trong máu. Đáng ngại, Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành Axit Formic, là chất độc hơn Methanol rất nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh... Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết, người dân có thể uống uống nhiều loại rượu khác nhau nên càng làm quá trình chuyển hóa Methanol càng chậm hơn. Bởi vậy, có nhiều trường hợp tới nhiều ngày sau khi uống rượu mới có biểu hiện mắt mờ, ngộ độc…
Chăm sóc cho người sau khi uống rượu
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, với những tác hại kể trên, người dân cần hạn chế sử dụng bia rượu; nhất là người mắc bệnh lý về tim mạch, hô hấp… không nên uống rượu. Với trường hợp người bị say rượu, nếu ngủ quên, người thân cần chủ động đánh thức, cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết. Đặc biệt, với trường hợp người say rượu lâu không tỉnh hoặc nôn, không thể ăn uống cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Chuyên gia chống độc đặc biệt lưu ý người mắc bệnh lí về tim, động kinh, hô hấp, thể trạng gầy yếu… không nên uống rượu vì khi đã bị ngộ độc rượu thì thường rất nặng. Khi uống rượu thì phải ăn, đặc biệt thức ăn giàu năng lượng nguồn gốc từ tinh bột như cơm, cháo… để tránh hạ đường huyết.
Bác sĩ Nguyên cũng phân tích, nhiều người vẫn chủ quan nghĩ rằng uống rượu thật, rượu xịn thì không sao nhưng kể cả rượu thông thường nếu uống nhiều cũng có thể nguy hiểm tính mạng. Bởi có người uống rượu nhưng không ăn, gây ra tình trạng no giả, không có năng lượng. Sau khi uống rượu, mọi người thường tiếp tục bỏ bữa, đi ngủ luôn. Trong khi đó, gia đình khi thấy người uống rượu say ngủ cũng thường không đánh thức, không gọi dậy ăn uống. Điều này khiến chỉ số đường huyết của người bệnh giảm sâu, dẫn tới bất tỉnh, tổn thương não...
Về thời gian đào thải của rượu bia, bác sĩ Nguyên cho hay điều này còn phụ thuộc vào thể trạng, sức khỏe từng người và tùy thời điểm, uống vào lúc đói hay no. Do đó, không thể có một “đáp án” chung cho tất cả mọi người về việc sau bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu. Chỉ số này mang tính cá thể.
Bác sĩ Nguyên lưu ý, thời gian từ khi uống rượu đến khi kiểm tra có âm tính với nồng độ cồn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước tiên, phụ thuộc vào lượng rượu uống vào. Nếu uống càng nhiều, độ nặng của rượu càng cao thì nồng độ càng lớn và thời gian để “xử lý” hết cũng sẽ lâu hơn. Uống khi đói thì rượu hấp thu càng nhanh, uống khi no thì hấp thu rượu càng chậm, thời gian đào thải càng lâu hơn. Uống rượu kéo dài, triền miên thì nồng độ cồn tồn tại trong cơ thể càng lâu hơn.
“Nồng độ cồn tồn tại trong máu không ai giống ai cả. Cồn trong máu có thể tồn tại nhiều giờ. Uống rượu bia nhiều từ tối hôm trước, có thể đến sáng hôm sau nồng độ cồn vẫn còn. Do đó cần hạn chế thấp nhất số lần uống rượu bia; giảm thấp nhất số lượng uống vào, trong trường hợp uống rượu bia,” bác sĩ Nguyên cho hay./.