Chuyên gia lo ngại “tắc nghẽn” hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu cuối năm
Việc Thông tư số 10/2024/TT-BXD về “Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng” có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12 tới có thể dẫn tới nguy cơ tắc nghẽn nguồn cung vật liệu xây dựng.
Liên quan đến việc Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD về “Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng” có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12 tới, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng thông tư này chỉ sau hơn 1 tháng kể từ ngày ban hành sẽ dẫn tới nguy cơ "tắc" nguồn cung vật liệu xây dựng, làm cho giá bán sản phẩm trong nước tăng mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi, nhu cầu của người tiêu dùng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus xoay quanh vấn đề trên, ông Lê Nam Hải - Chủ tịch Group Vật Liệu Xây Dựng miền Nam - cho rằng việc áp dụng thông tư trên vào giữa tháng 12/2024 là quá gấp gáp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp vật liệu xây dựng khẩn thiết kiến nghị Bộ Xây dựng giãn thời gian hiệu lực thêm khoảng 2-3 tháng.
Thời điểm áp dụng thông tư quá gấp?
- Đầu tiên xin ông cho biết quan điểm của Group Vật liệu Xây dựng Miền Nam về việc Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD về “Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng” trong bối cảnh hiện nay?
Ông Lê Nam Hải: Về cơ bản thì các doanh nghiệp của Group Vật liệu Xây dựng Miền Nam rất ủng hộ Thông tư số 10/2024/TT-BXD, bởi các quy định rất chặt chẽ. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu áp dụng theo thông tư này sẽ được quản lý, kiểm tra chất lượng từ xa, tránh tình trạng hàng “trôi nổi” như trước đây. Quy định này sẽ rất thuận lợi cho các doanh nghiệp “làm ăn tử tế.”
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu, các tổ chức đánh giá sự phù hợp và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Trên thế giới, nhiều nước cũng đã triển khai quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng từ lâu, còn Việt Nam hiện mới bắt đầu áp dụng.
Tuy nhiên vấn đề vướng với các doanh nghiệp nhập khẩu ở Việt Nam là Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD từ ngày 1/11/2024 và thời gian thông tư có hiệu lực thi hành chỉ sau hơn 1 tháng, trong khi một số doanh nghiệp đang về hàng. Vì thế nếu áp dụng thông tư trên từ ngày 16/12 (tức chỉ còn khoảng 20 ngày) là quá gấp. Lý do bởi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa (ví dụ từ Ấn Độ), nhiều lúc phải mất 50 ngày mới về tới cảng Việt Nam. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thông quan hàng hóa.
- Như ông đề cập thì thời điểm áp dụng Thông tư số 10/2024/TT-BXD là quá gấp. Vậy điều này sẽ gây khó khăn thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp?
Ông Lê Nam Hải: Trong “Danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn nhóm 2 phụ lục II” quy định các sản phẩm số 9 (gạch gốm ốp lát) bắt buộc phải kiểm tra trước khi thông quan theo phương thức 5 (một trong 8 phương thức của chứng nhận hợp quy) mới được phép nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
Trong khi quy trình triển khai chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 đối với hàng nhập khẩu được thực hiện qua nhiều bước, bao gồm: Từ khâu đăng ký hồ sơ, lập kế hoạch đánh giá, lập đoàn kiểm định, kiểm tra hồ sơ trực tiếp tại xưởng sản xuất của nhà cung cấp, chọn mẫu, vận chuyển mẫu về Việt Nam và đánh giá chất lượng cần rất nhiều thời gian để thực hiện.
Như vậy, thời gian thông tư có hiệu lực từ 16/12/2024 là quá gấp để đáp ứng được quy trình làm chứng nhận hợp quy theo phương thức 5.
Mặt khác, theo khoản 3 Điều 8 của Thông tư số 10/2024/TT-BXD thì hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan phải căn cứ kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định, thế nhưng thông tư lại không có quy định.
Và hiện nay Bộ Xây dựng cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn hay chỉ định rõ các đơn vị được làm chứng nhận hợp quy theo phương thức 5. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn để lựa chọn đơn vị đánh giá chứng nhận hợp quy.
Doanh nghiệp lo chịu tổn thất lớn
- Vậy những khó khăn trên sẽ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng của doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Lê Nam Hải: Ở trong nước, danh mục hàng hóa áp dụng theo thông tư trên đang được nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, thanh toán nhiều đơn hàng và hiện tại đang trong quá trình sản xuất.
Vì thế với thời gian thông tư có hiệu lực từ ngày 16/12/2024, có thể sẽ gây tổn thất, thiệt hại đến một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua sắm, xây - sửa nhà cửa đang tăng cao.
Ngoài ra, việc hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp đang về nhưng sau ngày 16/12 mới cập cảng, trường hợp không được thông quan, bị lưu container ở cảng, không đưa được về kho cũng sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp như về giao dịch, phí lưu ở cảng… Ví dụ, có doanh nghiệp về 50 container hàng, nếu không được thông quan, tắc lại, phải chịu phí khoảng 1 triệu đồng/container/ngày thì mỗi ngày cũng tổn thất khoảng 50 triệu đồng.
- Trong thời gian tới, những khó khăn trên có ảnh hưởng đến nguồn cung vật liệu trên thị trường, cũng như có đẩy giá vật liệu tăng lên, thưa ông?
Ông Lê Nam Hải: Việc thời gian có hiệu lực của thông tư quá gấp như trên, có thể sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu hụt và khan hiếm nguồn cung hàng hóa, vật liệu xây dựng, từ đó làm cho giá bán sản phẩm trong nước tăng mạnh. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, nhu cầu của người tiêu dùng.
- Từ nỗi trăn trở trên, Group Vật liệu Xây dựng Miền Nam có kiến nghị gì?
Ông Lê Nam Hải: Các quy định pháp luật cũng như Thông tư số 10/2024/TT-BXD, đều nhằm mục đích chung là giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Vì vậy các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn thiết kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét thay đổi thời gian hiệu lực của thông tư này thêm 2-3 tháng để các doanh nghiệp có thời gian hoàn tất các thủ tục, chuẩn bị để khi hàng về đỡ bị tồn đọng ở cảng cũng như áp dụng theo quy định của thông tư được hiệu quả nhất./.