Chuyên gia khuyến nghị giải pháp để phát triển thị trường vàng bền vững
Tình trạng không bình đẳng giữa vàng miếng trong nước dù chất lượng cùng 9999 như nhau, trong khi vàng Nhà nước bảo hộ (vàng SJC) giá rất cao còn các loại vàng khác không được bảo hộ thì giá thấp.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước thời gian vừa qua, tại Tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, đặc biệt phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường.
Còn bất cập trên thị trường vàng
Trong những tháng cuối năm 2023, thị trường vàng trong nước liên tục biến động, nhiều thời điểm đã vượt qua mốc 80 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới cũng vượt 12 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ nguy hại không chỉ riêng cho người dân mà còn thiệt hại về mặt xã hội.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn như vậy gây ra hậu quả không tốt cho thị trường. Thực tế người dân không được hưởng lợi khi phải mua với giá vàng trong nước rất cao và việc để chênh lệch như thế trong khi không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính thống thì rõ ràng tạo điều kiện cho việc buôn lậu, không kiểm soát được.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp đang thực hiện việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức và có nhu cầu về vàng nguyên liệu thì cũng không biết mua ở đâu và phải mua trôi nổi trên thị trường, dẫn đến rủi ro về mặt pháp luật.
Trong khi đó, Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, tình trạng không bình đẳng giữa vàng miếng trong nước dù chất lượng cùng 9999 như nhau. Vàng Nhà nước bảo hộ (vàng SJC) giá rất cao còn các loại vàng khác không được bảo hộ thì giá thấp.
"Có lẽ vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước quản lý mặt hàng này không nhất thiết phải độc quyền. Có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân,” ông Hoàng Văn Cường nói.
Trước những biến động của giá vàng trong nước, ngày 27/12/2023,
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1426 và ngay tức khắc, công điện này đã phát huy tác dụng đối với thị trường.
Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, công điện 1426 của Thủ tướng Chính phủ ra đời rất đúng lúc, nhất là trong lúc thị trường vàng trong nước so với thị trường vàng quốc tế có sự biến động rất mạnh về giá.
Điểm đáng chú ý là Công điện của Thủ tướng đã đưa ra một số biện pháp bao quát, chỉ đạo mang tính chất rất căn cơ và rất kịp thời để ổn định và phát triển thị trường vàng theo phương châm thị trường vàng phải an toàn, lành mạnh, phát triển hiệu quả và bền vững như: Khẩn trương thực hiện ngay cách giải pháp để bình ổn thị trường vàng; không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế quay lại, không để tác động tiêu cực của giá vàng đến các biến số kinh tế vĩ mô cơ bản như tỉ giá, lãi suất, ngoại hối và sự an toàn của tiền tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, Công điện cũng “giao việc” rõ ràng, cần khẩn trương có các giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giá; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng...
“Về cơ chế dài hạn, Công điện cũng có một nội dung rất quan trọng là cần khẩn trương xem xét sửa đổi Nghị định 24 để điều chỉnh kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển...,” ông Trần Thọ Đạt nêu ý kiến.
Đã đến lúc thay đổi
Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa," dùng vàng để thay thế các công cụ thanh toán. Nghị định này đã phát huy tác dụng khá tốt, trong hơn 10 năm qua, gần như đã chấm dứt tình trạng vàng hoá trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Nghị định 24 “hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình” và cần có sự thay đổi cho phù hợp với những thay đổi về kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế…
Cụ thể hơn, theo Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường, trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, theo đó là phải nghĩ đến chuyện thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
“Chẳng hạn, bây giờ không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng. Có lẽ vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền,” Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh phương thức quản lý bây giờ phải khác đi dùng các công cụ điều tiết như: Thuế, kiểm soát thông tin. Phải xem lại việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu, sử dụng công cụ thuế để điều tiết… Như vậy, doanh nghiệp nào thấy cần thiết, có hiệu quả thì mới nhập, từ bỏ dần phụ thuộc phương thức quản lý hành chính.
Ngoài ra, phải mở thêm các thị trường mới, giao dịch trên tài khoản, trên các công cụ tài chính, sẽ hạn chế được thị trường vàng vật chất, giúp tiện lợi hơn, hiệu quả, an toàn hơn, không cần thiết phải mua vàng miếng cất ở nhà nữa. Từ đó sẽ thay thế dần được thị trường vàng vật chất, vàng miếng tích trữ.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế và phân cấp độ cho các sàn vàng, không chỉ mỗi Nhà nước mà các ngân hàng lớn, các cơ quan lưu ký có đủ tiềm lực đều có thể tham gia vào vào thị trường thứ cấp để lưu thông quốc tế, đồng thời, mở thị trường sơ cấp cho toàn dân có thể tham gia.
Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường cũng đề xuất cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế. Không nên cấp quota theo dạng "xin-cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu, đồng thời quản lý để tránh tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ nhập vàng vào cho mục đích khác, làm mất cân đối ngoại tệ, mất khả năng điều hành tỉ giá.
Đồng tình với quan điểm cần có sự thay đổi, tiến sỹ Trần Thọ Đạt gợi ý Ngân hàng Nhà nước chỉ nên thực hiện quản lý và hoạch định hành chính, chính sách, điều tiết, dự trữ ngoại hối bằng vàng theo các pháp lệnh hiện hành, ví dụ như pháp lệnh ngoại hối, Luật Các tổ chức tín dụng…, mà không tham gia sản xuất kinh doanh và điều tiết thị trường vàng và các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự vào quá trình kinh doanh vàng, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.
Tiến sỹ Trần Đình Thọ cho rằng, thị trường vàng Việt Nam đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, đồng thời, chính sách quản lý thị trường vàng tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hoá, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách; cũng như sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng...
Dưới góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TP Bank) đề xuất, khi điều hành thị trường vàng, cần phải điều hành cả vấn đề tâm lý của người mua, phải lưu tâm với khách hàng, người dân về những biến động mạnh như vậy thường có yếu tố mang tính chất thông tin, tác động chỉ là một chiều và cần phải chờ những thông tin điều chỉnh tiếp theo thì giá sẽ quay trở lại.
Không được vội vã khi ra những quyết định lúc giá đang "chạy" mạnh như vậy chỉ vì câu chuyện sự kỳ vọng quá lớn và tâm lý "bầy đàn" lo ngại giá vàng sẽ tăng cao trong thời kỳ tiếp theo.
“Chúng tôi khuyến cáo tất cả những tài sản nào có tính thanh khoản và có sự biến động giá, đặc biệt là vàng thì luôn có sự biến động khá mạnh,” ông Nguyễn Việt Anh nói./.