Chuyên gia: Chênh lệch sẽ được thu hẹp khi bán vàng bình ổn giá
Các chuyên gia cho rằng với sự tham gia của 5 đơn vị, tình trạng làm giá trên thị trường sẽ sớm bị xóa bỏ vì nếu vẫn giữ “một mình một giá,” người mua sẽ lựa chọn ngân hàng với giá bán thấp hơn.
Các chuyên giá đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước phân phối vàng trực tiếp cho người dân qua các ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC là cần thiết, kịp thời và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Khoảng cách chênh lệch giá trong nước và quốc tế sẽ nhanh chóng được thu hẹp.
Giải tỏa áp lực tâm lý
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo phương án mới về bình ổn thị trường vàng, chuyên gia tài chính, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn cung vàng miếng được tăng cụ thể, trực tiếp (do không bị găm giữ hay đầu cơ), đến thẳng tay người tiêu dùng. Ngoài ra, đảm bảo giá hợp lý hơn trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào giá vàng thế giới cộng thêm các khoản chi phí cần thiết và đảm bảo tính công khai, minh bạch khi thông tin mua - bán vàng được công khai, có hóa đơn điện tử...
“Cách làm này có thể tận dụng mạng lưới chi nhánh của Công ty SJC và đặc biệt là các ngân hàng thương mại lớn. Việc này cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng găm hàng, buôn lậu, trục lợi chính sách,” ông Lực cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, theo đánh giá của Tiến sỹ Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phương án Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho nhóm Big4 và Công ty SJC là phương án phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mục đích của bán can thiệp vàng là để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi.
Ông Phước cho rằng với phương thức này, khoảng cách chênh lệch giá trong nước và nước ngoài sẽ nhanh chóng được thu hẹp đồng thời lưu ý rằng điểm cốt yếu nhất trong phương án can thiệp mới này chính là cơ chế giá.
“Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước bán cho 5 đơn vị trên giá nào và các ngân hàng và Công ty SJC bán ra thị trường giá nào,” ông Phước đặt vấn đề.
Theo ông Phước, phương án này cần xác định cách tiếp cận rõ ràng là ngân hàng thương mại và Công ty SJC nhận ủy thác vàng từ Ngân hàng Nhà nước và bán ra thị trường theo giá Ngân hàng Nhà nước quy định. Không đặt ra yêu cầu để các ngân hàng thương mại kiếm lời trong nghiệp vụ ủy thác này.
Nói rõ thêm về việc Công ty SJC tham gia vào bình giá vàng ở “phút chót” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh – nguyên giảng viên Học viện Tài chính cho rằng Công ty SJC cũng là một doanh nghiệp nhà nước giống như các doanh nghiệp khác. Về mặt nguyên tắc công ty nào tham gia cũng được, vấn đề là chấp nhận các điều kiện mà Nhà nước đưa ra.
Chênh lệch sẽ được rút ngắn
Theo một nghiên cứu của VNDirect, Việt Nam hiện có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý; trong đó dẫn dắt thị trường là một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Kim Tín…
Theo lý thuyết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn hoàn toàn có động cơ và khả năng bắt tay để thao túng giá vàng bởi họ là những người nắm giữ khối lượng vàng lớn trên thị trường.
Tại thời điểm giá vàng phá đỉnh 92 triệu đồng/lượng, nhiều nhà vàng liên tục báo “hết vàng” và “chỉ nhận khách bán vàng, không nhận khách mua vàng.” Điều này cũng dấy lên nhiều nghi vấn rằng các cửa hàng vàng cố tình “ém hàng” nhằm làm giá.
Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ thay đổi khi các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC tham gia bán vàng. Với sự tham gia của 5 đơn vị này, tình trạng làm giá trên thị trường có thể sẽ sớm bị xóa bỏ. Bởi khi đó, các nhà vàng buộc phải điều chỉnh theo giá bán của các ngân hàng nếu không muốn mất khách. Nếu vẫn giữ “một mình một giá,” người mua khi đó sẽ lựa chọn các ngân hàng với giá bán thấp hơn.
Chưa kể, khi các thông tin mua-bán vàng được công khai, giao dịch mua bán vàng có hóa đơn điện tử..., đầu ra của vàng miếng SJC cũng sẽ được minh bạch hóa. Từ đó, sẽ góp phần hạn chế việc đầu cơ, tạo cơn “sốt ảo” trên thị trường vàng.
Dù vậy, theo các chuyên gia việc này không thể “nóng vội” mà cần phải có thời gian theo dõi để các doanh nghiệp thích ứng dần dần.
Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng hiện giá vàng miếng SJC trong nước đang ở mức 81 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 72 triệu đồng/lượng. Nếu Ngân hàng Nhà nước bán cho nhóm “big 4” và Công ty SJC với giá tương đương giá thế giới, thì không thể đủ nguồn cung, vì ai cũng chen mua dù chưa có nhu cầu.
“Vì vậy, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ bán theo giá thế giới cộng thêm độ chênh lệch nhất định để đảm bảo từng bước giảm độ chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới đồng thời phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, lượng bán cũng sẽ chia nhỏ mỗi lần để đưa từ từ vào thị trường, từng bước giảm giá vàng Việt Nam phù hợp,” ông Hiển phân tích.
Cũng theo ông Hiển, chắc chắn, Ngân hàng Nhà nước chỉ nhập một lượng vàng nhất định để tăng cung cho thị trường trong nước chứ không phải nhập khẩu khối lượng lớn đáp ứng toàn bộ cầu trong nước vốn phần nhiều có yếu tố đầu cơ. Do đó, chúng ta phải chấp nhận giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch nhất định và sẽ hạ dần theo thời gian khi lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước cung ra, cũng như người dân bắt đầu chuyển qua các kênh khác như gửi tiết kiệm, mua bất động sản, đầu tư sản xuất - kinh doanh…
“Theo tôi, sau một thời gian xử lý, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đưa về 2-4 triệu đồng/lượng là hợp lý,” ông Hiển nói.
Còn ông ông Huỳnh Trung Khánh ¬ Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng để đánh giá tính hiệu quả của giải pháp bình ổn mới cần phải có thời gian, mất từ 1-2 tuần để thị trường hấp thụ lượng vàng Ngân hàng Nhà nước bán cho ngân hàng quốc doanh.
Ngay sau thông tin 4 ngân hàng thương mại được cấp quyền bán vàng, giá vàng SJC liên tục “đổ đèo” giảm tới vài triệu đồng/lượng chỉ sau một ngày. Tính đến sáng 3/6, giá vàng SJC chỉ ở mức 79 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 81 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giảm tới 11 triệu đồng so với mức đỉnh 92 triệu đồng (ngày 10/5)./.