Chuyển đổi số trong giáo dục: Nhận diện khó khăn để phát triển hơn

Chú trọng đào tạo đội ngũ để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đồng thời đồng bộ phần mềm, liên thông dữ liệu, xây dựng kho học liệu số là những điều ngành giáo dục đang nỗ lực triển khai.Ch

Ngành giáo dục đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bài 4: Chuyển đổi số trong giáo dục: Những mục tiêu lớn năm 2023

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, cung cấp miễn phí phần mềm, xây dựng kho học liệu số dùng chung.. là những giải pháp Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Hiểu đúng về chuyển đổi số

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, hiện trong ngành vẫn có nơi chưa hiểu rõ về chuyển đổi số. Điều này dẫn đến việc thực hiện chưa đúng hoặc bị động trong triển khai các công việc liên quan.

“Chuyển đổi số là đưa những thực thể lên môi trường số, không còn giới hạn về không gian, thời gian, số người sử dụng, số lần sử dụng. Điều quan trọng là phải lấy lợi ích của người học, người thầy, người dân làm hàng đầu và đem đến những trải nghiệm để họ thấy được lợi ích của chuyển đổi số. Thông tin và học liệu số không những tiện lợi, có thể sử dụng mọi nơi, mọi lúc mà còn đưa lại hiệu quả to lớn cho người dùng. Công tác quản lý, dạy học cũng được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, giảm trung gian,” Thứ trưởng cho hay.

Chia sẻ về những khó khăn cụ thể các địa phương đang gặp phải như học bạ điện tử, chữ ký số, Thứ trưởng cho rằng việc phải in học bạ để ký sau đó lại scan để lưu trữ trên máy tính không phải là chuyển đổi số mà chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin. Khi dữ liệu thông tin được cập nhật và xử lý trên máy tính mới là chuyển đổi số.

“Nếu mỗi người có một tài khoản điện tử thì chữ ký số chỉ cần dùng trong hai trường hợp: khi dữ liệu chưa liên thông và khi đưa dữ liệu ra ngoài hệ thống. Còn nếu trong hệ thống, trong nhà trường thì không cần chữ ký số,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, để công cuộc chuyển đổi số đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người, về nhận thức và năng lực. Cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành phải hiểu đúng về chuyển đổi số và mức độ cấp thiết mới tích cực tự học, tham gia tập huấn và triển khai thực tế.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về chuyển đổi số trong giáo dục. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nhận thức chưa đầy đủ về chuyển đổi số cũng là “điểm nghẽn” được lãnh đạo nhiều sở giáo dục và đào tạo thừa nhận và đang nỗ lực tháo gỡ. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho hay muốn chuyển đổi số thành công thì trước hết phải chuyển đổi trong nhận thức, tư duy của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, đặc biệt ở cấp lãnh đạo. Vì thế, địa phương này xác định nâng cao chất lượng đội ngũ là yếu tố then chốt chốt để nâng cao chất lượng chuyển đổi số, nhất là khi điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cũng cho hay trong hai năm qua, ngành giáo dục Thái Nguyên đã tập trung vào công tác đào tạo, tập huấn. “Sở đã triển khai nhiều đợt bồi dưỡng cán bộ, nhân viên. Hiện có 3.000 giáo viên đang được tập huấn về chuyển đổi số,” ông Hưng cho hay.

Hoàn thành dữ liệu trong năm 2023

Nhấn mạnh cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất với chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay ngành giáo dục phấn đấu hoàn thiện toàn bộ cơ sở dữ liệu trong năm 2023.

“Làm sao dữ liệu phải đầy đủ. Dữ liệu người học là quan trọng nhất, trong có cả học bạ, kết quả học tập… Mỗi học sinh phải có mã định danh, không có định danh không thể trao đổi được dữ liệu. Dữ liệu ngành phải liên thông giữa các trường, các sở, các sở với bộ, liên thông không chỉ trong ngành mà còn với các ngành khác,” lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Giáo viên dạy học trực tuyến. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu năm 2023 phải hoàn chỉnh các vấn đề về chuyển trường của học sinh, giáo viên, chữ ký điện tử, hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ cũng sẽ xây dựng kho học liệu cho các cấp học, xây dựng hệ thông bài giảng, tài liệu để phục vụ cho học sinh tự học và thầy cô tham khảo.

Thông tin cụ thể hơn, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay bộ đang có triển khai nhiều dự án với hàng loạt kế hoạch để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành.

[Chuyển đổi nhận thức nhằm xây dựng hệ sinh thái giáo dục số]

Cụ thể, bộ đang dự kiến cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục (phổ thông, mầm non). Phần mềm này đáp ứng yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đáp ứng chuẩn dữ liệu của bộ và kết nối 100% dữ liệu với cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Các nhà trường không bắt buộc phải dùng phần mềm của bộ mà có thể dùng phần mềm của các nhà cung cấp khác nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu về kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Bộ cũng đang nâng cấp mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông cung cấp miễn phí cho các sở, phòng giáo dục và đào tạo trên cả nước, phục vụ quản lý điều hành giáo dục trên môi trường số; cung cấp trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu trong ngành giáo dục đảm bảo kết nối đầy đủ và thông suốt dữ liệu quản lý ngành. Với bậc giáo dục đại học, bộ sẽ triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành về bậc học này.

Liên quan đến dạy và học trực tuyến, bộ đang xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến (LMS) dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông và có kế hoạch kho học liệu số dùng chung. Kho học liệu bao gồm bài giảng điện tử từ lớp 1 đến lớp 12, do các trường đại học sư phạm xây dựng, nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận nội dung giáo dục tới tất cả học sinh, đặc biệt là học sinh ở khu vực còn khó khăn.

“Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang làm thủ tục để ban hành bộ Tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục,” ông Hải nói.

Bài 2: Những bước tiến dài trong giảng dạy và quản lý giáo dục

Bài 3: Chuyển đổi số giáo dục: Nhận diện những khó khăn từ cơ sở

Bài 4: Chuyển đổi số trong giáo dục: Những mục tiêu lớn năm 2023

Phạm Mai (Vietnam+)