Chuyển đổi số trong giáo dục: Nhận diện khó khăn để phát triển hơn
Với "cú hích thần kỳ" vì dịch COVID-19, chuyển đổi số đã giúp ngành giáo dục thay đổi mạnh mẽ trong giảng dạy và có bước tiến dài trong quản lý.
Bài 2: Những bước tiến dài trong giảng dạy và quản lý giáo dục
Những bài giảng sinh động hơn khi không chỉ đơn thuần là những giờ dạy chay đọc-chép và đa dạng hơn khi có nguồn học liệu điện tử khổng lồ, những chồng sổ sách giấy tờ được giảm bớt vì đã có hồ sơ điện tử, không còn phải thống kê báo cáo khi mọi thông tin đã cập nhật từng giờ trên hệ thống. Chuyển đổi số đã giúp ngành giáo dục thay đổi mạnh mẽ trong giảng dạy và có bước tiến dài trong quản lý.
Cuộc “cách mạng” của giáo viên
Chia sẻ về những chuyển mình của đội ngũ giáo viên sau hai năm chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, cô Lê Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vui vẻ cho hay điểm bứt phá nhất là toàn bộ các thầy cô giáo trong trường đã có bước tiến dài trong ứng dụng công nghệ thông tin.
“Trong thời gian học sinh phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, các thầy cô phải tập huấn liên tục về dạy và học trực tuyến, làm quen với các phần mềm, tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới để việc dạy trực tuyến hiệu quả hơn. Từ chỗ ngại sử dụng công nghệ thông tin, hiện các giáo viên của chúng tôi đều thành thạo nhiều phần mềm. Tất cả các thầy cô đều có thể tự làm phim hoạt hình để đưa vào các bài giảng, giúp giờ học sinh động hơn, học sinh hứng thú hơn và hiệu quả học tập cao hơn,” Hằng vui vẻ nói.
Cô Nguyễn Thị Minh Hòa Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) coi hai năm bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh là một cuộc “cách mạng” khi việc học trực tuyến kéo dài đã bắt buộc mỗi giáo viên phải thích nghi, cố gắng học hỏi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả giáo viên lớn tuổi.
“Thầy cô phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo, tìm hiểu các phần mềm, học cách khai thác các ứng dụng để thiết kế bài giảng đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn, lồng ghép đa dạng phương thức chuyển tải kiến thức, từ hình ảnh tĩnh đến hình ảnh động, kể chuyện, chiếu video, đồ họa…để bài giảng online của mình thêm sinh động nhằm thu hút học sinh,” cô Hòa cho hay.
Để hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về dạy và học trực tuyến, từ cấp bộ, cấp sở, cấp phòng đến cấp trường, thậm chí chính các thầy cô giáo tự tổ chức bồi dưỡng cho nhau. Từ việc chỉ quen sử dụng một phần mềm Zoom dẫn đến quá tải và bị out liên tục, các nhà trường đã linh hoạt sử dụng kết hợp các phần mềm khác như Team meeting, Google Classroom…. thậm chí xây dựng mô hình trường học trực tuyến.
Từ chưa từng biết đến dạy học trực tuyến và phải nghỉ học hoàn toàn khi học sinh không thể đến trường, sau hai năm, gần như tất cả các giáo viên đều có thể tổ chức dạy học trực tuyến.
Dạy trực tuyến: Từ bị động sang chủ động
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 này có lẽ là kỳ nghỉ tết dài kỷ lục nhất của sinh viên các trường đại học khi thời gian nghỉ không tính bằng ngày mà được tính bằng tuần. Đại học Ngoại thương nghỉ Tết 3 tuần, Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh nghỉ tết 4 tuần. Thay vì đến về quê muộn và lên trường sớm, sinh viên sẽ được học trực tuyến tại nhà để có thể giảm khó khăn cho các em trong việc tham gia giao thông trong những ngày cao điểm cận Tết và ngay sau tết. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho sinh viên học trực tuyến một tuần trước và sau Tết. Tương tự, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng lựa chọn dạy trực tuyến hai tuần sau Tết.
Theo lãnh đạo các nhà trường, sau thời gian dài bắt buộc phải dạy và học trực tuyến vì dịch COVID-19, cả nhà trường và sinh viên đã làm quen với phương thức học này. Với những nội dung, học phần không thể học trực tuyến, nhà trường sẽ tổ chức dạy trực tiếp sau khi sinh viên trở lại trường.
Dạy trực tuyến vì đại dịch đã trở thành “cú hích thần kỳ” cho dạy và học trực tuyến không chỉ ở bậc đại học mà cả ở bậc phổ thông, nơi mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và học sinh đều thiếu và yếu hơn bậc đại học trong ứng dụng và tiếp cận công nghệ, nhất là ở các vùng khó khăn.
Nhớ lại những ngày Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước đầu năm 2021, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho hay địa phương đã phải phối hợp với các đơn vị viễn thông hỗ trợ đường truyền băng thông rộng cho các nhà trường, cấp tài khoản 3G, 4G cho phụ huynh, học sinh truy cập miễn phí, huy động trên 500 triệu đồng và trên 1.400 thiết bị tặng cho học sinh, khẩn trương triển khai tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá trực tuyến.
“Tác động của dịch bệnh đã cho ngành giáo dục Bắc Giang một kinh nghiệm thức tiễn vô cùng quý giá, đánh đổi bằng công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ giáo viên trong ngành nói riêng và sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội nói chung”, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho hay. Từ chỗ bắt buộc phải dạy trực tuyến vì dịch bệnh, tỉnh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận vẫn không thể quên thời điểm tháng 5/2021, khi quyết định đồng ý cho Trường Trung học cơ sở Thành Công B tổ chức thi hết học kỳ II học theo hình thức trực tuyến. “Hết năm học nhưng vì dịch bệnh nên học sinh không thể đến trường thi kết thúc học kỳ. Hà Nội đã học trực tuyến nhưng đến thời điểm đó, việc thi trực tuyến là điều chưa từng có tiền lệ. Làm sao để việc thi đảm bảo công bằng, nghiêm túc là vấn đề rất nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ phương án của trường, chúng tôi vẫn quyết tâm làm,” ông Thuận chia sẻ. Với quyết tâm đó, Trường Tiểu học Thành Công B trở thành hiện tượng, trường phổ thông công lập đầu tiên của Thủ đô thi cuối kỳ trực tuyến, tạo đà cho các trường khác trên địa bàn mạnh dạn làm theo.
Từ cách tổ chức mang tính “thô sơ”, học sinh dùng hai camera để giám sát, làm bài trên giấy và phụ huynh chụp bài gửi lại giáo viên, việc kiểm tra trực tuyến đã chuyển sang chuyên nghiệp hơn với sự hỗ trợ của các phần mềm để các em có thể làm trực tiếp trên máy, biết điểm ngay sau khi kết thúc bài thi.
Quản lý số, giảm áp lực hồ sơ
Hồ sơ sổ sách là một trong những nỗi “ám ảnh” với rất nhiều giáo viên, nhưng việc đẩy mạnh số hóa hồ sơ, số hóa học bạ đã và đang giải phóng rất nhiều những áp lực đó.
Tại tỉnh Bến Tre, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đã sử dụng sổ điện tử quản lý học sinh trên phần mềm thay thế cho sổ giấy. Các nhà trường được khuyến khích cho giáo viên ký số trên các sổ điện tử. Từ năm học 2022-2023, 100% trường trung học phổ thông thực hiện chữ ký số của giáo viên trên học bạ và các sổ điện tử khác trong nhà trường. Với bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, việc trang bị và sử dụng chữ ký số cho giáo viên cũng đã được địa phương lên lộ trình cụ thể với mục tiêu đến năm học 2023-2024, tất cả các giáo viên trên địa bàn đều có và sử dụng chữ ký số, 100% cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thực hiện các sổ điện tử thay thế các loại sổ giấy.
[Bài 1: Chuyển đổi số giáo dục: Những kết quả ấn tượng]
Tại Hà Tĩnh, 100% trường học đã sử dụng phàn mềm quản lý học sinh, quản lý giáo viên, sổ liên lạc điện tử. Dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục cũng được đẩy mạnh với 45/82% thủ tục được cung cấp trực tuyến, đạt tỷ lệ 55%.
Tại Long An, mô hình trường học thông minh đã được xây dựng từ năm 2019. Địa phương đã đầu tư hệ thống máy chủ để lưu trữ dữ liệu tập trung của ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để từng bước kết nối với hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với nền tảng đó, Long An đã triển khai thành công quản lý trường học trực tuyến, kết nối nhà trường với phụ huynh, sử dụng sổ học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt, phát triển kho học liệu số toàn ngành, hỗ trợ công tác thống kê báo cáo đảm bảo chính xác và đồng bộ.
Theo lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo các địa phương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đã giúp giảm rất nhiều công sức, áp lực hồ sơ sổ sách so với trước đây.
Tuy đã đạt những kết quả đáng khích lệ, công cuộc chuyển đổi số của ngành giáo dục vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.
Bài 3: Chuyển đổi số giáo dục: Hàng loạt rào cản cần tháo gỡ