Chuyện đời, chuyện nghề của vị Đại sứ từng 7 lần trình quốc thư
Cuốn sách của tác giả Nguyễn Chiến Thắng cho thấy phần nào cuộc đời, sự nghiệp, vai trò của một đại sứ - người đại diện cho quốc gia, dân tộc ở trên phương diện đối ngoại.
“Chuyện kể của một Đại sứ” - cuốn sách mới của nhà văn, nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng vừa ra mắt bạn đọc ngày 28/6, hé lộ phần nào cuộc sống, công việc của một Đại sứ Việt Nam khi ở nước ngoài.
Dù cái tên Nguyễn Chiến Thắng không phổ biến trên văn đàn nhưng tác giả cuốn sách này không phải là “lính mới” của văn chương Việt. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, tập truyện với bút danh Thăng Sắc.
Ở “Chuyện kể của một Đại sứ”, ông ký tên thật của mình bởi đây là tập hợp những câu chuyện, trải nghiệm suốt những năm tháng làm ngoại giao. Cuốn sách cho thấy phần nào cuộc đời, sự nghiệp, vai trò của một đại sứ - người đại diện cho quốc gia, dân tộc ở trên phương diện đối ngoại.
Qua đó, tác giả mong được chia sẻ vài suy nghĩ cá nhân, cũng là để bày tỏ lòng biết ơn tới những người và những nơi ông đã may mắn được công tác với cương vị Đại sứ.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng tác giả đã viết cuốn sách này với thái độ của một người làm ngoại giao, nhưng bên trong nhà ngoại giao ấy còn có một nhà văn với tâm hồn ấm áp và những rung cảm rất tinh tế, sâu sắc.
Với tư cách là một độc giả, nhà văn Đỗ Bích Thúy cảm nhận ông Thắng là một người khiêm nhường. Ông không khoe về bản thân mà viết về những người khác một cách trân trọng và quý mến, đầy lòng ngưỡng mộ.
[Romania xuất bản cuốn sách về những thành tựu nổi bật của Việt Nam]
“Cuốn sách gồm 300 trang, ghi lại bao hồi ức vui buồn, thương mến, gắn bó với nhiều quốc gia, dân tộc, nhiều cá nhân, với thái độ trân quý và tự hào. Cuốn sách này được viết giống như là tác giả lôi các câu chuyện trong túi áo ra vậy. Rất giản dị nhưng cuốn hút,” nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ.
Trong cuốn sách, tác giả có kể một câu chuyện buồn để người đọc có thể hiểu rằng cuộc đời người làm công tác ngoại giao không phải chỉ toàn những lễ nghi sang trọng đẹp mắt, gây ấn tượng, mà còn bao gồm cả hiểm nguy, nhất là ở những quốc gia cho đến tận thế kỷ 21 này vẫn chưa vắng tiếng súng.
Khi ông Nguyễn Chiến Thắng đi trình Thư Uỷ nhiệm ở Sahraoui Dân chủ, lễ tân Sahraoui đưa ông đi thăm sa mạc, nơi có những đóa hoa đỏ như máu bật lên từ cát khô cằn. Ông đã chụp ảnh để làm bưu thiếp gửi về Hà Nội khoe với bạn bè, gọi đó là những bông huyết sa, máu của cát. Ông nhờ Tham tán thương mại ở Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria là ông Bùi Giang Tô mang tấm bưu thiếp đó về Việt Nam. Sau đó, ông Tô bị khủng bố giết hại. Trong số di vật có tấm bưu thiếp mà ông Thắng gửi, một góc còn dính máu.
“Đấy là những ấn tượng ám ảnh và hiện thực nhất của tôi, một Đại sứ, về chủ nghĩa khủng bố lúc bấy giờ," ông Nguyễn Chiến Thắng kể lại.
Ông Nguyễn Chiến Thắng vào ngành ngoại giao từ năm 1971, nguyên là Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Thắng từng bảy lần trình quốc thư ở Algeria, Mali, Sahraoui Dân chủ, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Campuchia.
Bạn đọc biết đến văn chương của ông qua nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, ghi chép, bút ký… Với tiểu thuyết, có thể kể đến: “Ngụ cư,” “Chú Tư, con là ai,” “Láng giềng,” “Đi trong lốc xoáy,” “Những đóa sen màu xanh,” “Những ngày không em.” Với truyện ngắn, ông có tập “Chớp mắt cùng số phận.” Ở thể loại bút ký, ông có “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” (in chung).
Đặc biệt, tiểu thuyết “Những ngày không em” của ông được chuyển thể thành phim truyền hình “Nụ tầm xuân” (đạo diễn Bạch Diệp) và “Chớp mắt cùng số phận” được chuyển thể thành phim truyện cùng tên của đạo diễn Ngọc Linh./.