Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Cần tối ưu hóa nguồn lực

Theo các chuyên gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 huy động số tiền hơn 250.000 tỷ cần tránh việc tạo ra những công trình hoành tráng nhưng kém hiệu quả.

Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao. (Ảnh minh họa: Diễm Hằng/Vietnam+)

Khi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và con số hơn 122.000 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa được trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, nhiều người đã tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả và khả thi của Chương trình.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Chương trình, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội đã nhất trí với chủ trương đầu tư cho văn hóa và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội và những người thực hành văn hóa đã đưa ra ý kiến về việc tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, tránh việc tạo ra những công trình nghìn tỷ nhưng thực chất không hiệu quả.

Tránh đầu tư dàn trải, tập trung vào con người

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội cho rằng không nên đầu tư vào các công trình văn hóa hoành tráng nhưng không thể khai thác hiệu quả.

“Chúng ta cần tập trung vào các dự án có tính khả thi và bền vững. Thay vì đầu tư vào các công trình lớn mà không có kế hoạch khai thác rõ ràng, các cơ quan quản lý nên ưu tiên phát triển những dự án nhỏ hơn, dễ quản lý và có thể tạo ra nguồn thu ngay từ đầu. Việc này không chỉ giúp giảm rủi ro lãng phí mà còn đảm bảo rằng những dự án này có thể được duy trì và phát triển lâu dài,” ông Sơn nêu quan điểm.

Chuyên gia cho rằng cần tránh đầu tư các công trình văn hóa hoành tráng mà hoạt động kém hiệu quả. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Để tránh việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, ông Sơn cho rằng cần thực hiện khảo sát và nghiên cứu thị trường để đánh giá nhu cầu thực tế của cộng đồng và du khách trước khi quyết định đầu tư. Sự tham gia của cộng đồng trong việc xác định các nhu cầu và ưu tiên sẽ giúp tạo ra các công trình văn hóa thực sự phục vụ cho lợi ích của người dân. Việc này cũng giúp tăng cường tính khả thi và hiệu quả của các dự án được triển khai.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cũng khuyến khích mô hình quản lý công tư (PPP) trong việc phát triển hạ tầng văn hóa bởi sự kết hợp giữa nhà nước và khu vực tư nhân có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm việc chia sẻ rủi ro, tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo hiệu quả sử dụng.

Với tổng nguồn lực cho giai đoạn 2025-2030, ông Sơn cho rằng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cần được chọn là một trong những ưu tiên hàng đầu, tiếp đó là phát triển công nghiệp văn hóa để tạo ra giá trị kinh tế và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực, Giám đốc Hãng phim Đông A và Sân khấu Luc Team cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cần phân bổ nguồn lực để quan tâm hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực.

Qua kinh nghiệm tham gia giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực cho biết nhiều lứa học trò của ông ra trường đã gặp nhiều khó khăn trong làm nghề.

“Muốn phát triển ngành phải đầu tư cho con người. Trong việc đào tạo nhân lực, để thành nghề đã khó, làm sao để họ duy trì được nghề lại càng khó hơn. Chúng ta nói đến đầu tư cho văn hóa với những số tiền khổng lồ, vậy hãy đầu tư vào con người trước tiên. Dù là điện ảnh hay sân khấu, đầu tư giáo dục đào tạo nguồn nhân lực là quan trọng nhất,” Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực nêu quan điểm.

Cảnh trong vở kịch “Búp bê” của Sân khấu LucTeam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cùng quan điểm đó, Giáo sư-Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần quan tâm đến di sản văn hóa phi vật thể và các nghệ nhân đang bảo tồn di sản đó.

“Cùng với quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, nghệ thuật diễn xướng dân gian, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, nghi lễ, phong tục tập quán… của các dân tộc thiểu số có xu hướng mờ nhạt, mất dần bản sắc. Đứng trước nguy cơ này, nghệ nhân là những người gìn giữ các yếu tố văn hóa dân gian truyền thống, là kho tư liệu đồ sộ phản ánh, thực hành và truyền dạy các giá trị văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau,” Giáo sư-Tiến sỹ Lê Hồng Lý nói.

Đầu tư hơn 250.000 tỷ đồng trong 11 năm

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm, từ năm 2025-2035, chia làm các giai đoạn: Năm 2025; 2026-2030 và 2031-2035. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần và đề ra 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể cho mỗi giai đoạn. Chính phủ định hướng đến năm 2035, ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp 8% vào GDP của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Kỳ họp thứ 8. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong số 122.250 tỷ đồng dự kiến chi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu là 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%). Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2035 là 256.250 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chương trình huy động, phát huy tối đa nguồn lực nhà nước và xã hội để đầu tư phát triển văn hóa. Về nguồn vốn ngân sách địa phương, khi xây dựng chương trình, cơ quan soạn thảo đã tính toán không cào bằng tất cả các địa phương, không phải địa phương nào cũng 24%, mà đây là con số tính chung cho toàn quốc.

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 gồm có 7 mục tiêu tổng quát.

Một là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

Hai là nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Ba là huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Bốn là huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Năm là xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài.

Sáu là phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, với nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng.

Bảy là hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, bốn 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa; Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ phát triển văn hóa tại Hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển Văn hóa năm 2022.

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035), chia làm các giai đoạn.

Năm 2025 tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030 tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

Giai đoạn 2031-2035 tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035./.