Chứng khoán Việt Nam: Nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn

Dù thị trường tài chính đang đối mặt với nhiều rủi ro ngắn hạn song với nền tảng vĩ mô vững chắc, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 20/7/2000, Trung tâm Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HOSE) chính thức khai trương hoạt động, đánh dấu sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kể từ khi ra đời, thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp, trở thành “hàn thử biểu” đo lường hiệu quả nền kinh tế.

Dù trải qua nhiều thăng trầm và trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có nhiều rủi ro hiện hữu, chứng khoán Việt Nam vẫn được giới đầu tư nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Những dấu ấn

Trung tâm Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chính thức khai trương hoạt động vào ngày 20/7/2000 và có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000.

Trong ngày đầu tiên giao dịch, thị trường chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết là REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh) và SAM (Công ty cổ phần cáp và vật liệu viễn thông). Giá trị vốn hóa thị trường khi đó chỉ chưa đầy 400 tỷ đồng.

Trải qua 22 năm phát triển, quy mô thị trường chứng khoán ngày càng mở rộng. Tính đến cuối tháng 6/2022, trên HOSE có 546 mã chứng khoán niêm yết; trong đó, có 403 mã cổ phiếu, 2 mã chứng chỉ quỹ đóng, 9 mã chứng chỉ quỹ ETF, 128 mã chứng quyền có bảo đảm và 4 mã trái phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 130 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,75 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 56,65% GDP năm 2021 (GDP theo giá hiện hành).

Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Vingroup (VIC).

Đáng chú ý, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát 2020-2022, số lượng nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường ngày càng gia tăng. Riêng nửa đầu năm 2022, số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,8 triệu tài khoản, vượt qua con số kỷ lục 1,5 triệu tài khoản của cả năm 2021.

Lượng tài khoản mở mới trong khoảng thời gian này chiếm đến 1/3 tổng số tài khoản chứng khoán trong 22 năm hoạt động. Dù thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian qua biến động mạnh do lo ngại lạm phát tăng cao và xu hướng thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, song không thể phủ nhận mức độ phổ biến của thị trường chứng khoán ngày càng cao.

[Vì sao hiệu suất hoạt động của nhiều quỹ mở vượt trội so với VN-Index?]

Đầu tư của khối ngoại trong giai đoạn này cũng là điểm đáng chú ý ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Trái ngược với xu hướng bán ròng ở các thị trường chính, tại thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng trong 3 tháng gần đây với giá trị mua ròng cả quý 2 khoảng 274 triệu USD.

Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 9,11% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường, có sự thay đổi đáng kể so với mức 4,87% vào cuối năm 2021. Xu hướng này của khối ngoại cũng cho thấy sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn.

"Nốt lặng" trong năm thứ 22

Cùng với mức độ phổ biến ngày càng tăng, thị trường chứng khoán bắt đầu xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Trước tình hình đó, cơ quan quản lý nhà nước đã mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan công an đã khởi tố một loạt vụ án liên quan đến việc thao túng thị trường chứng khoán như ASA, FLC, Louis và 1 vụ án mà các bị can có liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Tân Hoàng Minh).

Không những vậy, một loạt lãnh đạo chủ chốt của ngành chứng khoán cũng bị kỷ luật, cách chức vụ trong Đảng do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để một số tổ chức, cá nhân "vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính."

Vụ việc vừa qua cho thấy cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý mạnh tay đối với các tội danh liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhằm nâng cao tính minh bạch và kỷ luật thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Trước đó, vào năm 2011, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rung động mạnh khi lần đầu tiên 4 cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán (đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược Viễn Đông) bị xử lý hình sự, kể từ khi tội danh mới này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ 1/1/2010.

Cùng với việc điều tra vi phạm thao túng thị trường chứng khoán trong nước, Chính phủ bắt đầu siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều này đã khiến nhà đầu tư bán tháo do tâm lý e ngại bất ổn trong ngắn hạn. Chỉ số VN-Index theo đó đã giảm 24,5% từ mức đỉnh 1.530 điểm vào đầu tháng 4 xuống mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm, trước khi đóng cửa tháng 6 ở mức 1.197,6 điểm (giảm 20% kể từ đầu năm).

Kỳ vọng vào tương lai

Dù thị trường tài chính đang đối mặt với nhiều rủi ro ngắn hạn song với nền tảng vĩ mô vững chắc, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Trong khi lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ, kỳ vọng tăng trưởng GDP và EPS tương đối cao giúp thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tương đối cao và P/E tương đối thấp.

Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,7% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, đây là tốc độ tăng trưởng hàng quý nhanh nhất trong hơn một thập kỷ nhờ tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ. Với mức tăng trưởng GDP vượt bậc trong quý 2, VinaCapital nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,5% lên 7,5% trong năm 2022, thậm chí có khả năng GDP của Việt Nam sẽ tăng hơn 7,5% trong năm nay. Hơn nữa, tăng trưởng GDP trong quý 3 có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm trước.

“Một số nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ, chậm lại sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam nhưng dự báo tăng trưởng GDP 7,5% của chúng tôi đã giả định tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc lớn. Đáng tiếc, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã không được hưởng lợi nhiều từ mức tăng trưởng GDP ấn tượng của Việt Nam trong năm. Một phần là bất ổn của thị trường toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, kỳ vọng thu nhập của thị trường sẽ tăng 16% trong năm nay nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ," chuyên gia này phân tích.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)


Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho rằng thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm có nhiều biến động sau một loạt vụ bắt giữ đối với một số doanh nghiệp lớn đã gây ra tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường. Tuy nhiên, xét về tăng trưởng và lợi nhuận, Việt Nam vẫn đang trên đà thắng lợi, thanh khoản cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Thái Lan.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Việt Nam cũng đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế nhằm khai phá tiềm năng gia nhập chỉ số các thị trường mới nổi. Tổ chức xếp hạng FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi, dự kiến vào tháng 9/2022.

Tuy Việt Nam vẫn chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét song nếu thực hiện các cải cách thì Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới).

Đặc biệt, mới đây, VSD ra thông báo về việc chuẩn bị hệ thống để triển khai áp dụng việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán có chu kỳ thanh toán T+2 với thời gian đề xuất bắt đầu áp dụng từ ngày 29/8/2022. Dù chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của thị trường nhưng việc rút thời gian thanh toán xuống T+2 sẽ giúp nhà đầu tư giảm bớt tiền lãi margin và tiền lãi ứng trước tiền bán, kích thích thanh khoản tăng mạnh.

Ngoài ra, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội ngày 11/7 vừa qua được xem là hành lang pháp lý quan trọng để thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững hơn.

Các chuyên gia cho rằng những nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch và phát triển thị trường vốn Việt Nam trong thời gian gần đây cũng như sáng kiến để đáp ứng tiêu chí của thị trường mới nổi sẽ giúp thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường lên mới nổi, qua đó thu hút dòng vốn quốc tế chảy mạnh về thị trường Việt Nam, góp phần dẫn vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới./.

H.Chung (TTXVN/Vietnam+)