Chứng khoán thoát thế giằng co, VN-Index bứt tốc vượt mốc 1.280 điểm
Chốt phiên giao dịch ngày 9/10, VN-Index tăng 9,87 điểm lên mốc 1.281,85 điểm; khối lượng giao dịch đạt gần 677 triệu đơn vị, tương ứng gần 17.085 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm nay diễn biến tích cực, dòng tiền nhà đầu tư trong nước được đẩy mạnh vào các nhóm cổ phiếu, giúp sắc xanh lan tỏa.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/10, VN-Index tăng 9,87 điểm lên mốc 1.281,85 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 677 triệu đơn vị, tương ứng gần 17.085 tỷ đồng. Toàn sàn có 255 mã tăng giá, 114 mã giảm giá và 78 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,25 điểm lên 231,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 46 triệu đơn vị, tương ứng trên 904,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 68 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.
UPCOM-Index không đổi, ở mức 92,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 31 triệu đơn vị, tương ứng trên 586,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 135 mã tăng giá, 103 mã giảm giá và 110 mã đứng giá.
Cổ phiếu vốn hóa lớn là đầu tàu kéo thị trường đi lên. Cụ thể, rổ VN30 có tới 22 mã tăng giá, trong khi chỉ có 7 mã giảm giá và 1 mã đứng giá. Đáng chú ý, các cổ phiếu ngân hàng thuộc rổ VN30 như ACB, BID, CTG, MBB, SHB, SSB, STB, TCB, TPB, VPB đều ở chiều tăng giá. Các mã đầu ngành khác như HPG, VIC, VHM, VRE, VJC, GAS, MSN, SAB, POW... cũng ở chiều giá xanh.
Ngành viễn thông là nhóm có đà tăng mạnh nhất thị trường nhờ VGI tăng 4,09%, CTR tăng 3,82%, YEG tăng 1,09% và ELC tăng 1,03%. Tiếp đến, các nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp và ngành vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh.
Ở chiều giảm giá, sắc xanh không xuất hiện tại nhóm cổ phiếu dầu khí. Các mã BSR, OIL, PLX, POS, PTV, PVB, PVC, PVD, PVS chìm trong sắc đỏ.
Khối ngoại hôm nay bán ròng 151 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 47 tỷ đồng trên HOSE. Các mã VPB và MWG bị bán ròng mạnh nhất, lần lượt là 239 tỷ đồng và 152 tỷ đồng. Tiếp đến, HDB và CTG bị bán ròng 100 tỷ đồng và 64 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng bán ròng 27 tỷ đồng trên HNX và 77 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), sang tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng tiếp tục đón nhận các sự kiện hầu hết theo chiều hướng tích cực.
Theo quy mô vốn hóa, tỷ trọng giá trị giao dịch phân bổ dành cho nhóm VN30 đang ở mức 50% - cao nhất kể từ đầu năm nhờ giao dịch mạnh hơn ở nhóm ngân hàng và một số mã bất động sản trụ cột.
Trong ngắn hạn, một nhịp dừng tích lũy là cần thiết, tuy nhiên tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết mạnh hơn về cuối năm 2024 và 2025 sẽ đưa thị trường chứng khoán quay lại xu hướng đi lên.
Một thông tin đáng chú ý là FTSE Russell vừa công bố báo cáo xếp hạng các thị trường chứng khoán tháng 10/2024; trong đó, Việt Nam tiếp tục trong danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Báo cáo của Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell cho biết Việt Nam được đưa vào Danh sách Chờ xét phân hạng vào tháng 9/2018 với khả năng được tái phân hạng lên thị trường mới nổi. Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí về “Chu kỳ Thanh toán (DvP)“, hiện đang được đánh giá là “Còn hạn chế” (Restricted) do thông lệ thị trường thực hiện việc kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch.
Nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu được nâng hạng vào năm 2025 như đề ra bởi Thủ tướng Chính phủ, điều quan trọng đó là tốc độ thay đổi, cải cách cần được duy trì.
Những quy chế sửa đổi cần được sớm thống nhất và thông tin rộng rãi, bao gồm xác định rõ về các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán, cũng như lộ trình thực hiện với các mốc thời gian cụ thể, FTSE Russell lưu ý./.