Chứng khoán tăng tốc khi nhà đầu tư đặt cược Fed không nâng lãi suất
Thị trường chứng khoán Tokyo ghi điểm sau khi chứng kiến Phố Wall tăng điểm vào cuối tuần trước khi dữ liệu việc làm không được như mong đợi, làm dấy lên hy vọng về việc Mỹ dừng tăng lãi suất.
Thị trường chứng khoán châu Á đi lên trong phiên sáng 4/9, mở đầu một tuần mới trong không khí khá tích cực, giữa bối cảnh giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và hy vọng các biện pháp của Chính phủ Trung Quốc sẽ đủ để ổn định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,1%, sau khi tăng 2,3% vào tuần trước.
Thị trường chứng khoán Tokyo của Nhật Bản ghi điểm sau khi chứng kiến Phố Wall tăng điểm vào cuối tuần trước khi dữ liệu việc làm không được như mong đợi, làm dấy lên hy vọng về việc Mỹ sẽ chấm dứt lộ trình tăng lãi suất.
Chỉ số Nikkei 225 tăng 0,25%, tương đương 82,25 điểm, lên mức 32.792,87 điểm trong đầu phiên giao dịch 4/9.
Dịp nghỉ lễ Lao động ở Mỹ (kéo dài từ cuối tuần trước tới ngày 4/9) đã có một khởi đầu không thuận lợi trước những thông tin quan trọng về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, cũng như số liệu về thương mại và lạm phát của Trung Quốc vào cuối tuần trước.
Nhiều nhà đầu tư cũng mong đợi Chính phủ Trung Quốc sẽ có thêm các chính sách bao gồm cả việc nới lỏng các hạn chế đối với việc mua nhà, nhằm vực dậy nền kinh tế.
Nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn Country Garden của Trung Quốc đã được các chủ nợ chấp thuận để gia hạn thanh toán cho trái phiếu tư nhân trong nước.
Tâm lý của giới đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ sẽ được thử thách trong tuần này bằng đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của “gã khổng lồ” chip Arm Holdings. Công ty đang hướng tới mức giá chào bán trong khoảng từ 47-51 USD/cổ phiếu, với định giá công ty trong khoảng từ 50-54 tỷ USD.
Chứng khoán Phố Wall biến động bất nhất vào phiên cuối tuần trước (1/9), khi báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng lên 3,8% trong tháng 8/2023, đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm, cao hơn dự báo 3,5% từ các chuyên gia kinh tế.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế đang chững lại và giảm bớt áp lực về giá cả, thu nhập bình quân theo giờ của người lao động tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo tăng 4,4% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Số việc làm tại Mỹ trong tháng 8/2023 tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến khi nước này đã tạo ra thêm 187.000 việc làm. Tuy nhiên, số việc làm được báo cáo lần đầu tiên trong tháng Sáu và tháng Bảy được điều chỉnh giảm tổng cộng 110.000 việc làm.
Sau khi báo cáo việc làm được công bố, công cụ FedWatch của CME Group cho thấy nhà đầu tư dự báo xác suất 93% Fed sẽ giữ lãi suất ở mức hiện tại vào cuộc họp chính sách tháng Chín này.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định: “Việc tiếp tục tái cân bằng thị trường lao động này phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng đợt tăng lãi suất vào tháng 7/2023 của Fed là đợt cuối cùng của chu kỳ. Chúng tôi dự báo chính sách của Fed sẽ không thay đổi tại cả cuộc họp của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) tháng Chín và tháng 11."
Ít nhất bảy quan chức Fed sẽ phát biểu trong tuần này trước cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 19-20/ 9. Các Ngân hàng Trung ương ở Canada và Australia sẽ tổ chức các cuộc họp trong tuần này và cả hai dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định. Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, sẽ phát biểu vào cuối ngày 4/9 (giờ địa phương).
Tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng điểm vào lúc thị trường mở phiên 4/9 sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ giảm bớt áp lực buộc Fed phải tăng lãi suất thêm nữa. Chỉ số Hang Seng tăng 1,14% tương đương 210,47 điểm lên 18.592,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,41%, tương đương 12,70 điểm, lên 3.145,94 điểm./.