Chứng khoán châu Á biến động theo đồn đoán về lãi suất của Mỹ
Các thị trường Hàn Quốc, Taipei, Mumbai, Bangkok, Jakarta và Manila đồng loạt giảm trong khi chứng khoán Nhật Bản, Sydney, Singapore và Wellington đi lên trong phiên cuối cùng của tháng Tám.
Chứng khoán châu Á biến động ngược chiều trong phiên 31/8, khi những số liệu kinh tế và đồn đoán về chính sách lãi suất Mỹ cùng những báo cáo không mấy lạc quan về Trung Quốc khiến nhà đầu tư phân vân.
Phiên này tại thị trường Trung Quốc, các chỉ số chính đều giảm hơn 0,5%. Theo đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,55% (tương đương 100,80 điểm) xuống 18.382,06 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng giảm 0,55% (17,26 điểm) xuống 3.119,88 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa giảm nhẹ, dứt chuỗi ba ngày tăng. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,19% (4,95 điểm) và đóng cửa ở mức 2.556,27 điểm.
[Thị trường Chứng khoán châu Á chạm "đỉnh" của hai tuần vừa quaư
Trái ngược với xu hướng của đa phần thị trường khu vực, chứng khoán Nhật Bản nối bước đà tăng của Phố Wall trong phiên này. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 0,88% (285,88 điểm) lên 32.619,34 điểm, kéo dài chuỗi tăng sang ngày thứ tư liên tiếp.
Các thị trường Taipei, Mumbai, Bangkok, Jakarta và Manila đồng loạt giảm trong khi chứng khoán Sydney, Singapore và Wellington đi lên.
Các nhà giao dịch ở New York đã phản ứng tích cực trước thông tin số việc làm được tạo ra trong lĩnh vực tư nhân Mỹ và tăng trưởng quý 2/2023 thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu.
Đây là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang yếu đi sau hơn một năm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các nhà đầu tư hiện đặt cược Fed còn chưa tới 50% khả năng thực hiện một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay.
Trọng tâm chú ý của thị trường hiện đang dồn vào báo cáo về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến được công bố trong ngày 31/8. Sau đó sẽ là các số liệu về hoạt động của nhà máy và báo cáo việc làm phi nông nghiệp trong tháng Tám.
Trong khi đó, Trung Quốc hôm 31/8 cho hay hoạt động của nhà máy tại nước này lại sụt giảm trong tháng Tám còn lĩnh vực dịch vụ suy yếu. Điều này có thể sẽ gây thêm áp lực lên các cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy các biện pháp kích thích nền kinh tế đang “hạ nhiệt” tăng trưởng.
Trung Quốc đã công bố một loạt cam kết hỗ trợ các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Trong số các biện pháp mới nhất, truyền thông địa phương đưa tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) đang xây dựng các chính sách giúp các công ty tư nhân, bao gồm cả các nhà phát triển bất động sản, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều duy nhất có thể xoa dịu các nhà đầu tư là một loạt các khoản chi tiêu lớn trên diện rộng.
Tại thị trường trong nước kết thúc phiên giao dịch ngày 31/8, chỉ số VN-Index tăng 10,89 điểm (0,9%) lên 1.224,05 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,79 điểm (0,72%) lên 249,75 điểm./.