“Chưa có trường hợp lây nhiễm lây nhiễm cúm A/H9N2 từ người sang người”

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay đối với ca mắc cúm A/H9N2 tại Tiền Giang, do có bệnh nền là xơ gan và tiểu đường nên có dấu hiệu triệu chứng nặng hơn.

Nhân viên y tế lấy mẫu máu xét nghiệm cho bệnh nhân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm lưu hành cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, một số bệnh có vaccine phòng bệnh ghi nhận các trường hợp mắc đã bắt đầu có xu hướng tăng, bệnh sởi ghi nhận tại Hà Tĩnh, Sơn La, Cà Mau, Bình Thuận, Thanh Hóa...; bệnh ho gà ghi nhận tại Nghệ An, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh toàn quốc diễn ra chiều 10/4.

Ca mắc A/H9N2 đang điều trị tích cực

Tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện bệnh nhân đầu tiên mắc cúm gia cầm A/H9N2 tại Việt Nam vẫn đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có một số bệnh nền như xơ gan, tiểu đường.

Bệnh nhân mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở Việt Nam là nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Bệnh nhân đang được điều trị tại phòng cách ly áp lực âm của Khoa hồi sức tích cực chống độc người lớn (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh), với chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết từ viêm phổi, cúm A, nhiễm nấm xâm lấn, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết phổi, xuất huyết ở bụng ổn, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận cấp, xơ gan do rượu, theo dõi u gan.

Kể từ khi bệnh nhân cách ly, điều trị tại bệnh viện đến nay, người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện có sức khỏe bình thường.

Theo ông Đức, từ năm 2015 đến nay ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2, bao gồm 2 trường hợp tử vong, cả hai trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bệnh nền, trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp bệnh được ghi nhận tại Campuchia. Hầu hết các trường hợp mắc có triệu chứng nhẹ và vừa, 2 trường hợp tử vong là người có bệnh nền.

Đối với ca mắc cúm A/H9N2 tại Tiền Giang, do có bệnh nền là xơ gan và tiểu đường nên có dấu hiệu triệu chứng nặng hơn.

Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cúm A/H9N2 là chủng độc lực có nguy cơ thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây bệnh trên gia cầm nên rất khó phát hiện. Đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người. Do đó nguy cơ thành dịch rất thấp. Cục Y tế dự phòng và Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã và đang phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vấn đề về dịch bệnh trên người đó là khoanh vùng, xét nghiệm và xử lý môi trường ...

Ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Đức cho hay: "Hiện vẫn chưa có thông tin cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới về biến đổi gene và thay đổi độc lực và chưa có trường hợp nào xảy ra. Do đó, cộng đồng không nên quá hoang mang, lo sợ trước thông tin 1 ca mắc cúm A/H5N1 tử vong và cúm A/H9N2 ở Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên cũng không nên chủ quan, cần tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người.

Nguy cơ bùng phát dịch sởi

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay Tổ chức Y tế Thế giới gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

Năm 2022 toàn cầu ghi nhận hơn 62.000 ca mắc ho gà, tăng 111,5% so với năm 2021, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà tại Hà Lan, Vương quốc Anh, Philippines...

Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng ở Trung và Nam Mỹ khi số ca bệnh khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, thời gian qua một số bệnh lưu hành vẫn ghi nhận số mắc ở mức cao như bệnh tay chân miệng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023, bệnh sốt xuất huyết hàng năm vẫn ghi nhận số mắc cao với hàng trăm nghìn trường hợp mắc, hàng chục trường hợp tử vong.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng chống sốt xuất huyết đã thu được những thành quả đáng khích lệ.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích các vấn đề còn tồn tại, nguyên nhân, các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp trọng tâm cần triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới đồng thời đề nghị các ý kiến cần toàn diện, sâu sắc, cụ thể vào các giải pháp, trách nhiệm thực hiện của từng đơn vị, địa phương./.