Chủ tịch UBND Hà Nội làm rõ hai nhóm vấn đề được dư luận quan tâm

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã thẳng thắn nêu những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành

Chiều 9/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã chất vấn về hai nhóm vấn đề gồm bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã thẳng thắn nêu những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố đã trả lời đúng trọng tâm các câu hỏi của đại biểu.

Tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã báo cáo, tiếp thu và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết thông qua nắm bắt, giải quyết kiến nghị cử tri, các cơ quan chức năng của thành phố đã có chuyển biến tích cực trong việc tháo gỡ những bức xúc trong thực tiễn, những vướng mắc và bất cập trong cơ chế quản lý, điều hành, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân Thủ đô.

[Các dự án chậm triển khai làm "nóng" phiên họp chất vấn, tái chất vấn]

Làm rõ thêm vấn đề bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố, ông Trần Sỹ Thanh thông tin: Căn cứ kết quả giám sát, kết luận chất vấn của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tiếp thu, tăng cường các biện pháp đồng bộ nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý hoạt động xử lý nước thải, đạt được nhiều kết quả tích cực như các báo cáo đã trình bày tại kỳ họp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh thành phố xác định công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi kiên trì, dành nhiều nguồn lực.

Tiếp thu ý kiến chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thường xuyên phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý nước thải; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định để kịp thời phát hiện, khắc phục, xử lý nghiêm các vi phạm.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội túc trực tại điểm úng ngập ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Về quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành, triển khai các chương trình, kế hoạch, các phương án 5 năm và hàng năm để ứng phó, tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai, phát triển hệ thống thoát nước, đảm bảo thoát nước, chống úng ngập.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã trình Hội đồng Nhân dân thành phố bố trí vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm, quyết định phê duyệt các báo cáo nghiên cứu khả thi, chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án, công trình thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, các trạm bơm tiêu trên địa bàn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây có các trận mưa vừa, mưa to với lượng mưa lớn trên diện rộng, vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước nên một số khu vực ở Thủ đô bị ngập sâu.

Các đơn vị đã tổ chức ứng trực để duy trì, xử lý việc tiêu thoát nước, giảm úng ngập trong thời gian sớm nhất và hướng dẫn phân luồng giao thông theo kế hoạch.

Đối với trận mưa cường độ lớn, công tác thoát nước chống úng ngập còn bộc lộ một số hạn chế, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của nhân dân.

Sau kỳ họp này, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị theo quy hoạch trong đó có các trạm bơm Yên Nghĩa, Liên Mạc... và các dự án đầu tư công viên cây xanh có hồ điều hòa đã được phê duyệt; nghiên cứu việc nạo vét các hồ nước để tăng khả năng chứa nước và thoát nước đô thị, đặc biệt là tại những địa bàn có nhiều khu đô thị mới, các khu vực có mật độ dân cư cao như Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân...

Các đơn vị, địa phương quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án khu đô thị, khu nhà ở, khu, cụm công nghiệp...; khuyến khích xây dựng thêm các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn; khớp nối đồng bộ hệ thống thoát nước tại các khu đô thị mới, các khu dân cư... với hệ thống thoát nước chung của thành phố.

Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, đề xuất phương án xử lý thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long (xem xét phương án xã hội hóa đầu tư, các chủ đầu tư tại khu vực lân cận); phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ.

Về nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2023, ông Trần Sỹ Thanh cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ quyết liệt đổi mới theo nguyên tắc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, khắc phục triệt để hạn chế tồn tại đã chỉ ra năm 2022.

Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; hình thành trục mô hình “chính quyền số - công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; chỉ đạo đưa vào ứng dụng, vận hành đồng bộ các phần mềm phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành của Ủy ban Nhân dân thành phố để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn từ đầu năm 2023.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, quan điểm cải cách hành chính của thành phố là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn là con người.

Bản chất của cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết Hội đồng Nhân dân thành phố đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm của tập thể Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, quận, huyện trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những cam kết với Hội đồng Nhân dân thành phố, với cử tri và nhân dân.

Kết quả phiên chất vấn cho thấy các vấn đề được Hội đồng Nhân dân thành phố lựa chọn chất vấn là “trúng và đúng,” phù hợp với thực tiễn; là những vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống của nhân dân trong thời gian trước mắt và dài lâu, đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách căn cơ, triệt để.

Hội đồng Nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố, các cấp, các ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, lộ trình, tiến độ khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến rõ nét đối với những nội dung, lĩnh vực chất vấn, vấn đề đã được Hội đồng Nhân dân thành phố nêu.

Hội đồng Nhân dân thành phố giao Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân thành phố theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện đảm bảo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ; đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng để đánh giá mức độ tín nhiệm với các chức danh do Hội đồng Nhân dân thành phố bầu./.

Văn Cảnh-Nguyễn Thắng (TTXVN/Vietnam+)