Chủ tịch nước: Việt Nam hoan nghênh, tiếp nhận các học sinh, sinh viên Campuchia
Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh có thể đẩy mạnh hợp tác và liên kết với các trường đại học của Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, mở ra các cơ hội hợp tác mới.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia, chiều 13/7, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh.
Được thành lập năm 1960 với tên gọi Đại học Khemara Phumin (Universite Royale Khmere), đây là trường đại học lâu đời nhất và lớn nhất của Campuchia.
Năm 1980, Đại học Phnom Penh được mở trở lại và mở thêm Trường đào tạo ngoại ngữ tiếng Tây Ban Nha, Đức và Nga.
Đến năm 1981, Trường Đại học Ngoại ngữ được thành lập và mở thêm cơ sở đào tạo tiếng Việt với giáo viên là người Việt Nam. Từ năm 1996 cho đến nay chính thức đổi tên là Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh. Trường hiện có hơn 20.000 sinh viên.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giáo dục đại học giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2001-2025, Campuchia đã quyết định thành lập Viện nghiên cứu quốc tế và Chính sách tại Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh, trong đó có khoa Việt Nam học với mục đích thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Campuchia và Việt Nam.
Theo kế hoạch, sinh viên Campuchia được đào tạo bài bản về tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học trước khi xem xét theo học tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước cảm ơn tập thể lãnh đạo, giáo viên và sinh viên Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh đã dành cho Đoàn Việt Nam những tình cảm nồng ấm và sự đón tiếp trang trọng nhất.
Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tích mà nhà trường đã đạt được trong suốt thời gian qua, đặc biệt từ ngôi trường này, nhiều thế hệ sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành các nhà trí thức, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu có tiếng của Campuchia, qua đó cung cấp nguồn nhân lực quan trọng và dồi dào cho công cuộc xây dựng Vương quốc Campuchia ngày càng phát triển phồn vinh.
Nhấn mạnh giáo dục-đào tạo là chìa khóa của mọi thành công, là quốc sách hàng đầu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân của mỗi quốc gia, Chủ tịch nước cho rằng Việt Nam và Campuchia, những quốc gia đã phải vượt qua muôn vàn gian khổ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc và mất rất nhiều năm khắc phục hậu quả chiến tranh, rất thấu hiểu tầm quan trọng của công tác giáo dục-đào tạo và nếu không tự mình học tập, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước thì không thể có cuộc sống hòa bình, ổn định và phát triển như ngày nay.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” trên đất nước Campuchia qua từng ngày, được thấy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Campuchia đã và đang không ngừng phát triển, trong đó hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo luôn được lãnh đạo cấp cao hai nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành hai bên hết sức coi trọng, là một “điểm sáng” trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người,” Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy và học, coi việc bồi dưỡng, phát triển nhân tài là quốc sách hàng đầu; đồng thời cho biết, trong trao đổi, lãnh đạo cấp cao hai nước luôn khẳng định coi trọng đẩy mạnh hợp tác phát triển nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi nước và quan hệ hữu nghị hai nước.
Chủ tịch nước bày tỏ phấn khởi nhận thấy Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh đã và đang triển khai chương trình hợp tác với Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thành lập Trung tâm ngôn ngữ tiếng Việt và Việt Nam học và mong muốn nơi đây trở thành cái nôi để các bạn sinh viên Campuchia, sinh viên quốc tế tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa để hiểu hơn, yêu hơn đất nước con người Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng cảm ơn các giáo viên của trường Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh đã dành tâm huyết để dìu dắt, đào tạo các thế hệ sinh viên Việt Nam theo học chuyên ngành ngôn ngữ Khmer tại nhà trường, trong đó nhiều người đã đóng vào việc vun đắp cho quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước ngày càng phát triển.
Trước sự phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ Trí tuệ nhân tạo, đang đặt ra những thách thức mới đối với ngành giáo dục của các nước, Chủ tịch nước mong muốn Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia và Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam tiếp tục gia tăng hợp tác chặt chẽ và sâu rộng, phối hợp cùng tiến hành nghiên cứu các chương trình hợp tác, hoạt động phong phú, thiết thực, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề.
Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh có thể đẩy mạnh hợp tác và liên kết với các trường đại học của Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác mới.
Chủ tịch nước cho biết Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các học sinh, sinh viên Campuchia nói chung và các sinh viên Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh nói riêng sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng các thế hệ học sinh, sinh viên của hai nước tiếp tục là lực lượng nòng cốt viết tiếp những trang sử đẹp về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác tốt đẹp lâu bền giữa hai nước.
Nhân dịp này, tập đoàn FPT của Việt Nam tài trợ 50 bộ máy tính FPT Elead cho Đại học Tổng hợp Hoàng gia Campuchia với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ trẻ của Campuchia tiếp thu các tri thức, công nghệ mới, đồng thời góp phần thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia./.