Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc: Vũ lực không giúp đảm bảo hòa bình bền vững
Phát biểu trước đại diện 193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Philémon Yang tái khẳng định hòa bình và an ninh ở Trung Đông không thể đạt được thông qua vũ lực hoặc chiếm đóng.
Ngày 3/12, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, Chủ tịch Đại hội đồng Philémon Yang một lần nữa nhấn mạnh vũ lực sẽ không bao giờ giúp đảm bảo nền hòa bình bền vững ở khu vực Trung Đông.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu trước đại diện 193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Philémon Yang tái khẳng định hòa bình và an ninh ở Trung Đông không thể đạt được thông qua vũ lực hoặc chiếm đóng. Thay vào đó, con đường duy nhất là đối thoại, công nhận lẫn nhau và cam kết một giải pháp công bằng, toàn diện và lâu dài dựa trên luật pháp quốc tế.
Ông Philémon Yang nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước, cho rằng đây vừa là một khuôn khổ chính trị cho cuộc khủng hoảng Trung Đông, vừa là “một mệnh lệnh mang tính đạo đức” vì giải pháp này sẽ đảm bảo quyền tự quyết của người dân Palestine và bảo vệ an ninh lâu dài cho Israel.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Philémon Yang cũng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn mới đây giữa Israel và Liban sau một năm xung đột leo thang khiến hàng nghìn người thiệt mạng và mất nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng.
Ông Yang đánh giá cao các nỗ lực trung gian giúp đạt được thỏa thuận nói trên, đồng thời hối thúc các bên liên quan tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, cũng như thực thi đầy đủ Nghị quyết 1701 (năm 2006) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Liên quan tới tình hình ở Dải Gaza, Chủ tịch Đại hội đồng Philémon Yang một lần nữa kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và trả tự do vô điều kiện cho tất cả các con tin.
Chiều cùng ngày, với 157 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 7 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi thiết lập nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở Trung Đông.
Nghị quyết cũng kêu gọi chấm dứt hành động chiếm đóng từ năm 1967 của Israel, bao gồm cả khu vực Đông Jerusalem; tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của Liên hợp quốc đối với giải pháp hai nhà nước sống cạnh nhau hòa bình và an ninh trong biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận, dựa trên các đường ranh giới trước năm 1967./.