Chống tham nhũng là kiên quyết cắt bỏ những "cành cây sâu mọt"
Thời gian gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta đẩy mạnh; nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức....
Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân tin yêu gọi là “Đảng ta.” Bởi lợi ích, mục tiêu của Đảng là “lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc.”
Các đảng viên phải luôn lấy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân làm lý tưởng phấn đấu. Càng là cán bộ cấp cao, lại càng cần giữ gìn phẩm cách, cần, kiệm, liêm, chính.
Ngay từ lễ kết nạp Đảng, mỗi đảng viên đã thề suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Điều ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác.”
Chính lý tưởng của Đảng và phẩm cách của những người cộng sản chân chính đã tạo được sự tin yêu, gắn bó, quy tụ cả dân tộc dưới cờ Đảng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính giúp Đảng ta đã đưa đất nước băng qua những gập ghềnh, gian nan để tới những chiến thắng vĩ đại và thành tựu to lớn, để có cơ đồ và vị thế hôm nay. Nhưng thật xót xa, cùng với quá trình đất nước đổi mới, đi lên thì một bộ phận cán bộ, đảng viên lại không giữ gìn phẩm cách, nhiễm thói hư, tật xấu.
Không ít người, trong đó có cả cán bộ cấp cao “nói không đi đôi với làm,” xem lợi ích của cá nhân, gia đình lớn hơn lợi ích tập thể, quốc gia. “Vì dân” không còn là mục tiêu của họ. Thay vào đó, là xa lánh nhân dân, quan liêu, giáo điều, hách dịch. Phai nhạt lý tưởng đương nhiên dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống và tham nhũng, lãng phí.
Thời gian gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta đẩy mạnh. Nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Nhiều cán bộ giữ trọng trách còn có những hành vi tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Đảng ta đã phải thi hành kỷ luật hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Không ít tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang cũng bị bắt giam, phạt tù do vi phạm pháp luật. Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục thi hành kỷ luật một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Giang, Gia Lai...
Còn tại địa phương, năm 2023 các cơ quan chức năng đã phải khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ. Do đó, việc xử lý nghiêm cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao sai phạm là vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch và uy tín của Đảng, Nhà nước, ý nguyện của Nhân dân; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tỉnh táo nhìn sâu vào việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, không khó để nhận thấy, đây là quyết tâm chính trị rất lớn nhằm xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ của Đảng hiện nay. Công cuộc ấy đang diễn ra hết sức quyết liệt, mạnh mẽ và chưa từng có. Không chỉ trong phạm vi Đảng, trong mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng các cấp, công cuộc đó có phạm vi rộng lớn hơn, trong toàn Đảng và hệ thống chính trị với sự đồng thuận cao trong xã hội. Không chỉ chống lại những thứ đã “cũ kỹ, hư hỏng,” mà đó còn nhằm giữ gìn những thứ “mới mẻ, tốt tươi,” giữ đạo đức cách mạng và trọng trách của mỗi cán bộ, đảng viên phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng.
Chính vì lẽ ấy, đây là cuộc đấu tranh mang tính chất sinh - tử, sự tồn vong của chế độ! Quyết tâm chính trị ấy, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng. Nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.
Thế nên, kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây"./.