Chống buôn lậu: Cần đi trước một bước với tinh thần "phòng hơn chống"
Lãnh đạo Hà Nội giao các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa lớn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tập trung cao điểm vào các hoạt động cuối năm, trong đó các sở, ngành phối hợp kiểm soát hoạt động thương mại điện tử, đây là xu hướng mới nên phát sinh nhiều vấn đề về buôn lậu và gian lận thương mại…
Đây là yêu cầu của ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, tổ chức ngày 17/7, tại Hà Nội.
Nhận diện nhiều thủ đoạn mới
Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua đường hàng không, chuyển phát nhanh ngày càng tinh vi, phức tạp và liên tục thay đổi.
Bên cạnh những phương thức, thủ đoạn cũ, các đối tượng buôn lậu sử dụng một số phương thức, thủ đoạn mới, khó lường, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng như không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh…
Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa xuất xứ nước ngoài nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng. Thậm chí các đối tượng bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội Facebook, YouTube ở một nơi nhưng kho hàng thì được tập kết ở một nơi khác và thường không cố định gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Điển hình, ngày 5/6 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 10 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an huyện Sóc Sơn) phát hiện địa điểm kinh doanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, tại địa chỉ số 4, Kho Lăng, Quốc lộ 2, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn có khoảng 3.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động các loại và các loại mặt hàng khác (thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm…) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ. Đây là vụ việc mà lực lượng chức năng mất thời gian dài theo dõi hàng hóa được đăng bán trên các nền tảng thương mại điện tử (Tiktop Shop), địa điểm kiểm tra là nơi tập kết hàng hóa trước khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
Đây chỉ là một số vụ điển hình trong 12.032 vụ vi phạm được các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm; xử lý hành chính 11.436 vụ. Khởi tố 118 vụ đối với 175 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước trên 474 tỷ đồng.
Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy tổng hợp, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại hàng hóa có giá trị cao qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài…
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, trong 6 tháng đầu năm, các chỉ đạo của thành phố Hà Nội đã được các đơn vị thành viên chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến tình hình, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm để chủ động xây dựng các kế hoạch chuyên đề, tuần tra kiểm soát, xác lập chuyên án tổ chức đấu tranh, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm tụ điểm phức tạp, xử lý các hành vi vi phạm; không bao che, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả; không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đúng quy định.
Những kết quả trên đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hoàn thiện công tác quản lý thuế
Nhằm nâng cao hiệu quả chống buôn lậu và gian lận thương mại, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu triển khai xây dựng kho tang vật, vật chứng, cần thống nhất theo hướng công an thành phố đề xuất tại khu Kiến Hưng (quận Hà Đông) làm khu kho hàng tập trung cho các lực lượng chức năng.
Liên quan đến việc quy hoạch khu kho hàng tập trung, thành phố giao Sở Quy hoạch kiến trúc làm đầu mối cùng các ngành đưa ra đề xuất diện tích, yêu cầu cụ thể để Sở Quy hoạch kiến trúc tổng hợp, rà soát chốt lại toàn bộ diện tích theo nhu cầu sử dụng của các ngành liên quan; phối hợp cùng các địa phương đưa ra trích lục cụ thể các ô đất. Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề xuất triển khai thực hiện kho vật chứng, tang vật trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, ông Quyền đề nghị Sở Thông tin và truyền thông phối hợp cùng Sở Công Thương, Cục thuế Hà Nội kiểm soát hoạt động thương mại điện tử. Đây là xu hướng kinh doanh mới, vì vậy các đơn vị cần chủ động đi trước một bước với tinh thần phòng hơn chống.
Liên quan vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Công Thương nghiên cứu đề xuất cơ chế giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cho các ban quản lý chợ kiểm soát, giám sát chặt chẽ đầu vào hàng hóa đưa vào chợ, bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa.
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa lớn, các điểm giao nhận chuyển phát hàng hóa; chú trọng đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng...
"Tiếp tục xác định công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ chính trị, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố lưu ý thêm.
Tại hội nghị, đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết trong các tháng cuối năm, Cục sẽ phối hợp với Sở Công Thương, cơ quan quản lý thị trường để xây dựng cơ sở dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh qua hình thức thương mại điện tử. Phối hợp cảnh báo sớm các tổ chức, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử có giao dịch rủi ro, đáng ngờ.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về thương mại điện tử.
Xây dựng quy trình phân tích rủi ro từ dữ liệu quản lý thuế trên Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử, sau đó tiến hành đối chiếu dữ liệu kê khai thuế, để lựa chọn kế hoạch kiểm tra đột xuất theo chuyên đề thương mại điện tử.
Phối hợp Ngân hàng Nhà nước gắn mã định danh căn cước công dân và mã số thuế lên tài khoản ngân hàng để siết chặt quản lý đối với các tài khoản nghi ngờ giao dịch mua bán điện tử (đối với các tài khoản có tần suất giao dịch lớn trong ngày)./.