Chọn xong nhà thầu, tìm lời giải nguồn cát thiếu hụt ở đường Vành đai 3-TP.HCM

Dự án đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh được đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Dự án đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh được đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh đang được các nhà thầu triển khai thi công đồng loạt nhiều gói thầu ở các dự án thành phần nơi công trình đi qua.

Hoàn tất việc chọn nhà thầu trong quý 1

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34km (trong đó đoạn tuyến qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh 47,51km; tỉnh Đồng Nai 11,26km; tỉnh Bình Dương 10,76km; tỉnh Long An 6,81km). Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Cụ thể, Dự án thành phần 2 (Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ quan chủ quản) có diện tích mặt bằng đồng ý bàn giao là 403/410ha (đạt 98%). Về hạ tầng kỹ thuật, tổng số 225 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời. Hiện chủ đầu tư đã ký hợp đồng bồi thường theo hiện trạng với các chủ sở hữu và sẽ hoàn thành công tác di dời vào tháng 6/2024.

Về các khu tái định cư, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tận dụng 7 khu tái định cư có sẵn để bố trí cho 408 hộ đủ điều kiện tái định cư bằng nền đất và 176 trường hợp không đủ điều kiện tái định cư sẽ được bố trí căn hộ chung cư.

Dự án thành phần 4 (tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản), diện tích bàn giao 4,06/65ha (đạt 6,2%). Tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các đơn vị liên quan và tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện di dời tổng số 26 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật đồng thời cũng dự kiến xây dựng 3 khu tái định cư.

Dự án thành phần 6 (tỉnh Bình Dương làm cơ quan chủ quản) diện tích giải phóng mặt bằng đến nay được 111/129,36ha (đạt 86%). Tỉnh Bình Dương đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập phương án di dời 15 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật; dự kiến tận dụng 11 khu tái định cư có sẵn để bố trí cho 518 hộ đủ điều kiện tái định cư.

Dự án thành phần 8 (tỉnh Long An làm cơ quan chủ quản) diện tích đã thu hồi 53,6/54,5ha đạt 98%. Tỉnh Long An đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập, thẩm định phương án di dời 25 vị trí hạ tầng kỹ thuật; xây dựng một khu tái định cư hiện đang chỉ định thầu san lấp hạ tầng, phục vụ nhu cầu tái định cư 110 trường hợp bằng nền đất và 17 trường hợp được hỗ trợ tái định cư bằng tiền.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy các Dự án thành phần 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), Dự án thành phần 7 (tỉnh Long An) cơ bản triển khai đáp ứng tiến độ.

Được khởi công vào tháng 6/2023, các gói thầu xây lắp của Dự án thành phần 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) gồm XL03, XL06, XL8 và XL9 đang triển khai thi công các hạng mục phụ trợ, đào bóc hữu cơ, đường công vụ và thi công kết cấu phần dưới hạng mục cầu, hầm, cọc khoan nhồi, sản lượng ước tính khoảng 800 tỷ đồng (11,3% hợp đồng). Sáu gói thầu xây lắp chính còn lại (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7 và XL10) đã khởi công tháng 1/2024, các nhà thầu đang huy động nhân sự, thiết bị phục vụ thi công.

Dự án thành phần 7 (tỉnh Long An) đã tổ chức lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu xây lắp (XL1, XL2 và XL3). Dự án đã tổ chức động thổ ngày 30/6/2023. Hiện nhà thầu 3 gói thầu đã tập kết thiết bị, nhân lực, vật liệu và đang triển khai thi công một số hạng mục nền đường, cọc khoan nhồi, sản lượng ước tính đạt khoảng 364 tỷ đồng.

Thi công đào bóc lớp đất hữu cơ làm nền đường dự án giao thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn lại Dự án thành phần 3 (tỉnh Đồng Nai), Dự án thành phần 5 (tỉnh Bình Dương) còn 2 gói thầu chưa lựa chọn xong nhà thầu.

Cụ thể, Dự án thành phần 3, chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu xong 2/3 gói thầu xây lắp chính và triển khai các công tác chuẩn bị, khối lượng thực hiện chưa đáng kể. Còn lại một gói thầu lựa chọn nhà thầu trong quý 1/2024.

Dự án thành phần 5 (tỉnh Bình Dương) đã lựa chọn xong nhà thầu thi công và khởi công 3/4 gói thầu, hiện nhà thầu đã xây dựng lán trại, tập kết thiết bị, nhân lực, phòng thí nghiệm, vật liệu đầu vào, lập bản vẽ thi công và thi công một số vị trí vét hữu cơ, cống hộp, hầm chui, cọc khoan nhồi. Sản lượng ước tính đạt khoảng 356 tỷ đồng. Còn lại gói thầu nút giao Tân Vạn lựa chọn nhà thầu, khởi công trong tháng quý 1/2024.

Có nguy cơ thiếu hụt nguồn cát

Theo báo cáo từ các chủ đầu tư dự án thành phần bước thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 9,2 triệu m3. Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án, đến nay đã khảo sát nguồn vật liệu đáp ứng khoảng 5,8/9,2 triệu m3 cát đắp nền.

“Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để giải quyết đồng thời nghiên cứu sử dụng nguồn vật liệu thay thế, tuy nhiên, hiện nay các dự án cao tốc đồng loạt triển khai do đó nguồn cung về vật liệu cát có nguy cơ thiếu hụt,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm.

Các dự án cao tốc đồng loạt triển khai do đó nguồn cung về vật liệu cát có nguy cơ thiếu hụt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre xem xét, hỗ trợ giải quyết nguồn cát san lấp cho dự án theo kết quả làm việc giữa Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công dự án đảm bảo tiến độ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương rà soát về việc xem xét phương án đầu tư hoàn thiện nút giao Tân Vạn, bổ sung cầu song hành nhằm tạo điều kiện cho dân sinh giữa 2 địa phương qua lại giữa tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh và đoạn 15,3km đường Vành đai 3 đi trùng với đường Mỹ Phước-Tân Vạn./.