Cho phép ngân hàng thương mại giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024
Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng, thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024.
Ngày 19/4, tại buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngay từ cuối năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây, trong đó có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động...
Phó Thống đốc cho biết để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng (thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024), tức tới hết năm nay theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
“Đây là chính sách giúp hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng nếu lạm dụng quá thì đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia,” ông Đào Minh Tú nói.
Ông Tú cho biết thêm đến hết năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì nghiên cứu cơ chế khác hỗ trợ.
Thực tế, việc kéo dài hiệu lực Thông tư 02 là nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu. Nếu Thông tư 02 hết hạn vào ngày 30/6/2024 sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp, trong khi việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn. Thông tư 02 được gia hạn thời gian sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến 31/12/2023, có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu trên 183.500 tỷ đồng.
Thông tư 02/2022/TT-NHNN quy định các khách hàng vay đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ). Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hiện lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống./.