Chính quyền Trump 2.0 sẽ đối mặt những thách thức đối ngoại gì trong năm 2025?
Trong nhiệm kỳ lần thứ hai, ông Donald Trump sẽ có quyền lực đáng kể để quyết định chính sách đối ngoại, song cũng phải quyết định cách ứng phó với các sự kiện bất ngờ hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát.
Theo trang mạng eurasiareview.com, một năm mới lại đến với những thách thức và cơ hội mới. Đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, chính quyền mới của ông Donald Trump - người sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/2025 - sẽ định hình cách tiếp cận của Mỹ đối với thế giới.
Giống như tất cả các tổng thống Mỹ, “ông chủ” Nhà Trắng trong nhiệm kỳ lần thứ hai sẽ có quyền lực đáng kể để quyết định chính sách đối ngoại, song cũng sẽ phải quyết định cách ứng phó với các sự kiện bất ngờ hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát của Washington.
Khi ông Trump một lần nữa trở thành tổng thống, ông và các cố vấn cấp cao của mình sẽ phải đối mặt với hai cuộc xung đột lớn ở Ukraine và Dải Gaza, vốn đã làm đau đầu chính quyền sắp mãn nhiệm.
Ông Trump đã nhiều lần đề cập khả năng nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine và giờ đây ông sẽ có cơ hội để thực hiện điều đó khi trở lại Nhà Trắng.
Gần đây, ông đã bổ nhiệm cựu Cố vấn an ninh quốc gia, Tướng Keith Kellogg làm đặc phái viên của mình để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.
Tướng Kellogg đã đề xuất việc cảnh báo cắt viện trợ cho Ukraine để làm đòn bẩy buộc nước này phải đàm phán, đồng thời đưa ra những khích lệ như hoãn kết nạp Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và giảm nhẹ lệnh trừng phạt cho Nga để thuyết phục Nga chấp nhận đàm phán. Những yếu tố này thực sự có thể dẫn đến các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột.
Một thách thức khác sẽ là quản lý mối quan hệ với các đồng minh châu Âu. Việc ông Trump thiếu cam kết với NATO, như ông đã thể hiện trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, sẽ là thách thức đối với liên minh quân sự này.
Những người ủng hộ hợp tác châu Âu chặt chẽ hơn về an ninh và quyền tự chủ để tránh phụ thuộc vào Mỹ về các vấn đề quốc phòng đang hy vọng rằng những nỗ lực của họ sẽ đạt được động lực trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Cuộc chiến ở Gaza có khả năng vẫn tiếp diễn khi ông Trump nhậm chức. Đặc trưng trong cách tiếp cận của chính quyền Trump 2.0 sẽ là tiếp tục ủng hộ Israel do những nhân vật được ông lựa chọn làm cố vấn chính sách đối ngoại đều cực kỳ ủng hộ nước này, đơn cử như ông Marco Rubio - ứng cử viên cho chức Ngoại trưởng hay Đại sứ tại Israel Mike Huckabee…
Chính quyền dưới thời ông Trump sẽ phải đối mặt với nguy cơ cuộc chiến ở Gaza sẽ thúc đẩy các cuộc xung đột khác trong khu vực. Ngay cả khi lệnh ngừng bắn giữa Phong trào Hezbollah tại Liban và Israel được duy trì cho đến khi ông Trump nhậm chức, nguy cơ giao tranh tái diễn vẫn rất cao.
Chính quyền sắp mãn nhiệm tại Mỹ cũng đã phải vật lộn để ứng phó với những rủi ro ngày một lớn do lực lượng Houthi ở Yemen gây ra và ông Trump sẽ “thừa kế” thách thức đó.
Quan điểm ủng hộ Israel của chính quyền mới tại Mỹ sẽ được áp dụng khi giải quyết vấn đề Iran, theo đó Washington sẽ giảm bớt áp lực buộc Israel phải kiềm chế các hành động tiềm tàng của nước này.
Nhiều cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu mà ông Trump lựa chọn có quan điểm cứng rắn đối với Iran, tuy nhiên ông Trump cũng không muốn có cuộc chiến khác kéo dài ở Trung Đông liên quan đến quân đội Mỹ.
Một chủ đề khác đó là chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nhấn mạnh vào hợp tác để giải quyết các mối quan tâm toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, nhưng ông Trump và nhiều cố vấn của ông không tỏ ra không ưu tiên các vấn đề này trong hợp tác quốc tế.
Khi chính quyền mới của ông xác định cách ứng phó với những thách thức mới có thể phát sinh vào năm 2025, họ sẽ thực hiện trên cơ sở đơn phương hoặc bằng cách hợp tác với các quốc gia cụ thể, thay vì thông qua các thể chế đa phương.
Bên cạnh đó, sự phản đối mạnh mẽ của ông Trump đối với tình trạng nhập cư bất hợp pháp sẽ định hình mối quan hệ của Washington với các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump phản đối việc lấy tiền của người nộp thuế Mỹ để gửi ra nước ngoài mà không có lợi ích rõ ràng, do đó viện trợ của Mỹ cho các nước đang phát triển có khả năng giảm.
Thế giới đã chuẩn bị kỹ càng hơn cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump so với nhiệm kỳ đầu tiên. Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ khác với nhiệm kỳ đầu tiên theo nhiều cách, như đã được chứng minh qua việc ông lựa chọn cố vấn dựa nhiều vào mối liên kết của họ với ông chứ không phải là dựa vào kinh nghiệm của họ trong các cơ quan chính trị hoặc an ninh quốc gia.
Cách tiếp cận của Washington đối với các thách thức về chính sách đối ngoại vào năm 2025 sẽ khác biệt đáng kể so với cách tiếp cận của họ trong năm 2024 - và có thể là so với cả nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump./.