Chính phủ sẽ trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tổ chức trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ đồng thời trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương và khoảng 80 điểm cầu tại nước ngoài.

(Ảnh: CVT/Vietnam+)

Với mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả và có đóng góp nhiều hơn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương cùng khoảng 80 điểm cầu tại nước ngoài vào 8 giờ ngày 22/4.

[Tìm cách giữ chân ‘đại bàng’ khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng]

Hội nghị nhằm truyền tải thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài.

Khu vực đầu tư nước ngoài được Việt Nam xác định có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế và được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các đại biểu sẽ cùng thảo luận và nhận diện những cơ hội, thách thức, khó khăn để đưa ra các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc, kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

Hội nghị cũng một lần nữa khẳng định những cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả đồng thời tiếp tục rà soát cải thiện môi trường đầu tư, nhất quán trong thực thi chính sách, giải pháp linh hoạt để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Thời gian qua, tình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm sút, lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia. Thêm vào đó là khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cũng đang diễn biến phức tạp… Những yếu tố này đã tác động mạnh đến làn sóng đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu. Mặt khác, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất.

Ngân hàng Thế giới dự báo triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 đạt 1,7%, thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Trong khi đó, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo đà phục hồi của dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài sẽ chững lại kể từ giữa năm 2022 và có thể giám hoặc đi ngang trong năm 2023 so với mức phục hồi tích cực của năm 2021. Do đó, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)