Chính phủ Nhật Bản cân nhắc điều chỉnh chính sách cấp vốn ODA
Nhật Bản dự định sẽ sử dụng vốn ODA một cách chiến lược bằng cách chỉ rõ quan điểm của nước này là tìm kiếm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, đồng thời tăng cường an ninh kinh tế.
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch sửa đổi Hiến chương Hợp tác Phát triển - văn bản quy định các định hướng cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này cho các nước đang phát triển.
Nhật báo Yomiuri dẫn nhiều nguồn tin cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ sửa đổi Hiến chương trong nửa đầu năm 2023 với trọng tâm là an ninh kinh tế.
Tokyo dự định sẽ sử dụng vốn ODA một cách chiến lược bằng cách chỉ rõ quan điểm của nước này là tìm kiếm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, đồng thời tăng cường an ninh kinh tế.
Cùng với việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, Nhật Bản cũng dự định áp dụng thêm các biện pháp nhằm tăng cường các chuỗi cung ứng để đối phó với khả năng thiếu hụt năng lượng và nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, chủ yếu do tác động của xung đột Nga-Ukraine, cũng như tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch COVID-19.
Chính phủ Nhật Bản sẽ sớm lập ra một nhóm chuyên gia và dự thảo sửa đổi Hiến chương sẽ được soạn thảo trong thời gian từ nay tới cuối năm. Nếu kế hoạch trên được hoàn thành, đây sẽ là lần đầu tiên văn bản này được sửa đổi trong 8 năm qua.
[Điều chuyển hoặc hủy nguồn vốn ODA nếu sử dụng không hiệu quả]
Nhật Bản lần đầu tiên xây dựng Hiến chương Hợp tác Phát triển vào năm 1992. Kể từ đó đến nay, Tokyo đã hai lần sửa đổi văn bản này vào các năm 2003 và 2015, trong đó tên gọi hiện nay được thay đổi trong lần sửa đổi thứ 2 vào năm 2015.
Để chuẩn bị cho việc sửa đổi bản hiến chương này, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đề nghị tăng ngân sách dành cho việc cấp vốn ODA trong tài khóa 2023 thêm 20 tỷ yen so với tài khóa hiện nay nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Bộ dự định sẽ phân bổ khoản ngân sách tăng thêm này cho các dự án như phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sau khi đạt mức cao nhất 1.168,7 tỷ yen vào tài khóa 1997, ngân sách dành cho việc cấp vốn ODA của Nhật Bản đã liên tục giảm. Trong tài khóa 2022, ngân sách ODA của nước này đã giảm còn 561,2 tỷ yen.
Trong bối cảnh Nhật Bản đang gặp khó khăn về tài chính, nhất là sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ không thể tăng đáng kể khoản chi này. Vì vậy, nhật báo Yomiuri dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này “cần lựa chọn và tập trung vào các biện pháp thích hợp”./.