Chính phủ mới của Indonesia-Tiếp nối nhưng cần dấu ấn để phát triển
Theo chuyên gia Beni Sukadis, tổng thống đắc cử Prabowo Subianto sẽ tiếp nối các di sản của chính quyền Tổng thống Jokowi, mang lại sự ổn định và nhất quán trong cách tiếp cận.
Tối 20/3, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Indonesia đã tuyên bố kết quả kiểm phiếu chính thức. Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto giành số phiếu cao nhất và sẽ trở thành Tổng thống thứ 8 của Indonesia, nhiệm kỳ 2024-2029.
Kết quả này không nằm ngoài dự đoán và đúng với các cuộc thăm dò trước khi diễn ra bỏ phiếu cũng như kết quả kiểm phiếu nhanh đã được công bố ngay sau khi các hòm phiếu được đóng lại vào ngày 14/2.
Phóng viên TTXVN tại Indonesia đã có cuộc trao đổi với ông Beni Sukadis, chuyên gia, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) về chính quyền mới.
Theo ông, chính phủ mới của ông Prabowo sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì, cả về đối nội và đối ngoại?
Ông Beni Sukadis: Chính phủ mới của Indonesia có thể phải đối mặt với nhiều thách thức ở trong nước, bao gồm bất bình đẳng kinh tế, thất nghiệp, tham nhũng, gánh nặng phát triển cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, suy thoái môi trường, cũng như một số căng thẳng tôn giáo và sắc tộc.
Giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả sẽ rất quan trọng để duy trì sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Về những thách thức quốc tế, nguyên tắc chính sách đối ngoại của chúng tôi là tự do và chủ động.
Nhưng Indonesia sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức về cách thiết lập mối quan hệ hiện tại với đối tác, xung đột khu vực, đàm phán thương mại, căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là quan hệ Trung-Mỹ và Nga-Mỹ.
Ngoài ASEAN, Indonesia cũng đã đặt ra mục tiêu duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và các cường quốc khu vực khác như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng chính phủ sẽ phải duy trì hợp tác với tất cả các quốc gia lớn này và làm thế nào để thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn về kinh tế và an ninh.
Ông Prabowo được kỳ vọng sẽ tiếp nối di sản của Jokowi, bao gồm cả các chính sách đối ngoại. Theo ông, điểm mạnh và điểm yếu của việc tiếp nối đó là gì?
Ông Beni Sukadis: Chính quyền mới sẽ bắt đầu từ tháng 10 tới, tôi nghĩ sẽ có nhiều vấn đề ông Prabowo phải đối mặt, và có rất nhiều thách thức trong nhiệm kỳ của ông.
Việc tiếp nối có những điểm mạnh, việc tiếp tục di sản của người tiền nhiệm Jokowi trong chính sách đối ngoại có thể mang lại sự ổn định và nhất quán trong cách tiếp cận quan hệ quốc tế của Indonesia.
Như những quan hệ hợp tác với Mỹ, Trung Quốc, hay Australia, Nhật Bản, đang mang lại những lợi ích, nhất là trong ASEAN.
Nó cũng có thể đảm bảo rằng các sáng kiến và quan hệ đối tác đang diễn ra vẫn được duy trì nguyên vẹn, tạo nền tảng vững chắc cho sự tham gia của Indonesia với cộng đồng toàn cầu.
Ngoài ra, việc xây dựng dựa trên các mối quan hệ đã được thiết lập có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các tương tác ngoại giao suôn sẻ hơn và nâng cao ảnh hưởng của Indonesia trên trường thế giới.
Về những điểm yếu, mặc dù tính liên tục có thể mang lại sự ổn định nhưng nó cũng có thể hạn chế các cơ hội đổi mới và thích ứng với hoàn cảnh toàn cầu đang thay đổi.
Việc quá phụ thuộc vào các chiến lược trong quá khứ, cùng với những điều khác, chẳng hạn như vấn đề trên biển với Trung Quốc.
Đôi khi Indonesia không công khai chỉ trích Trung Quốc trong việc tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép Natuna hoặc không xem xét đến các động lực địa chính trị đang gia tăng, điều đó rất có thể dẫn đến việc bỏ lỡ các cơ hội hoặc phản ứng không hiệu quả trước các thách thức mới nổi.
Tôi nghĩ ông Prabowo thực sự đã nói rằng chúng tôi muốn tiếp tục nhận được nhiều đầu tư từ Trung Quốc. Ngoài ra, việc thiếu những quan điểm mới có thể cản trở khả năng của Indonesia trong việc giải quyết các ưu tiên chiến lược và ngoại giao mới một cách hiệu quả.
Kết hợp với những quan điểm mà ông Prabowo đã đưa ra trong cuộc bầu cử, ông dự đoán chính sách đối ngoại của Indonesia trong tương lai sẽ như thế nào, đặc biệt với các nước lớn, các nước ASEAN và Việt Nam nói riêng?
Ông Beni Sukadis: Câu hỏi này rất hay, từ quan điểm của tôi, từ những gì tôi thấy được trong chiến dịch tranh cử, cho thấy ông Prabowo muốn duy trì hoặc ít nhất là giúp thiết lập nhiều hơn cách thức mà Indonesia đang đạt được lợi ích quốc gia của mình.
Việc tiếp nối sẽ giúp đạt được sự ổn định kinh tế, nhất là trong hợp tác quốc tế với các quốc gia khác và tất nhiên, Indonesia, muốn duy trì sự ổn định hoặc các đóng góp có giá trị của chúng tôi.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo cũng thể hiện tập trung vào việc thúc đẩy chủ quyền, lợi ích quốc gia và khả năng tự chủ về kinh tế của Indonesia.
Điều này có thể chuyển thành một chính sách đối ngoại đặc trưng bởi sự quyết đoán và thực dụng, trong đó có tính đến ưu tiên quan hệ song phương và theo đuổi các quan hệ đối tác chiến lược phù hợp với các mục tiêu kinh tế và an ninh của Indonesia.
Về quan hệ với các nước lớn, tôi nghĩ tổng thống đắc cử Prabowo có thể sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc khu vực như Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, duy trì cách tiếp cận cân bằng để tránh sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia nào. Hợp tác kinh tế, đầu tư và quan hệ đối tác an ninh có thể sẽ là những lĩnh vực trọng tâm trong các mối quan hệ này.
Với vai trò là thành viên nổi bật của ASEAN, Indonesia dưới thời ông Prabowo có thể sẽ tiếp tục ưu tiên hợp tác khu vực và đoàn kết trong khối.
Vấn đề nữa là làm thế nào để tạo ra sự hợp tác kinh tế không chỉ với ASEAN mà còn cả các nước khác, chẳng hạn, với Việt Nam, tôi nghĩ Indonesia có cơ hội, có tiềm năng hợp tác hoặc đầu tư kinh tế rộng và sâu hơn, cũng như hợp tác an ninh.
Quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ được đặc trưng hóa bởi sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác kinh tế và cam kết ngoại giao về các sáng kiến trong ASEAN.
Tổng thống mới cũng sẽ nhận ra rằng tăng cường quan hệ với Việt Nam cũng có thể phục vụ lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của Indonesia ở Đông Nam Á./.