Chính phủ lâm thời Bangladesh tuyên thệ nhậm chức
Phát biểu tại lễ tuyên thệ, ông Yunus cam kết: “Tôi sẽ duy trì, ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp,” đồng thời khẳng định sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách “chân thành.”
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ khu vực Nam Á, chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2006 Muhammad Yunus tối 8/8 đã tuyên thệ nhậm chức người đứng đầu Chính phủ lâm thời Bangladesh.
Lễ tuyên thệ diễn ra lúc 21h15 (22h15 giờ Hà Nội) dưới sự chủ trì của Tổng thống Mohammed Shahabuddin tại Dinh Tổng thống “Bangabhaban.”
Phát biểu tại lễ tuyên thệ, ông Yunus cam kết: “Tôi sẽ duy trì, ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp,” đồng thời khẳng định sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách “chân thành.”
Nhiệm vụ chính của ông Yunus hiện nay là khôi phục ổn định ở Bangladesh và chuẩn bị cho những cuộc bầu cử mới.
Ông Yunus, 84 tuổi, là nhà kinh tế chuyển sang làm chính trị, được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ lâm thời Bangladesh hôm 6/8 sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời đến Ấn Độ trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng từ những người biểu tình.
Sau khi được bổ nhiệm, ông Yunus đã cam kết sẽ thành lập một chính phủ đảm bảo an toàn cho người dân và kêu gọi họ hỗ trợ ông trong công cuộc tái thiết Bangladesh.
Ông Yunus được trao Giải Nobel Hòa bình vào năm 2006 nhờ công trình tiên phong vì vai trò tiên phong trong khái niệm tài chính vi mô nhằm cải thiện phúc lợi của người dân.
Đầu năm nay, ông đã ra nước ngoài trong thời gian chờ kháng cáo phán quyết 6 tháng tù giam của một tòa liên quan đến vấn đề lao động. Ngày 7/8, tòa án cấp cao hơn đã tuyên ông Yunus trắng án.
Biểu tình bạo lực nhiều tuần qua tại Bangladesh đã khiến ít nhất 455 người thiệt mạng. Tổng thống đã giải tán Quốc hội và chỉ định ông Yunus đứng ra thành lập chính phủ lâm thời theo yêu cầu của các lãnh đạo sinh viên và cựu đảng đối lập đảng Dân tộc Bangladesh (BNP).
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tối 8/8 (giờ địa phương) đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Giáo sư đoạt giải Nobel Muhammad Yunus - chính trị gia vừa tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Chính phủ lâm thời Bangladesh.
Trong thông điệp chúc mừng được đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Modi viết: “Tôi xin gửi đến Giáo sư Muhammad Yunus những lời chúc tốt đẹp nhất khi ông đảm nhận trách nhiệm mới. Chúng tôi hy vọng cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại, những người theo đạo Hindu cũng như tất cả các cộng đồng thiểu số khác sẽ được bảo vệ và đảm bảo an toàn. Ấn Độ vẫn cam kết hợp tác với Bangladesh để thực hiện những nguyện vọng chung của cả hai dân tộc chúng ta vì hòa bình, an ninh và phát triển.”
Trước đó, phát biểu tại lễ tuyên thệ vào tối 8/8, ông Yunus cam kết: “Tôi sẽ duy trì, ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp,” đồng thời khẳng định sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách “chân thành.”
Cũng trong ngày 8/8, Mỹ đã hoan nghênh và bày tỏ hy vọng hợp tác với Chính phủ lâm thời Bangladesh dưới quyền lãnh đạo của ông Yunus.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh lời kêu gọi của Tiến sỹ Yunus về việc chấm dứt tình trạng bạo lực gần đây và chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Chính phủ lâm thời cùng Tiến sỹ Yunus khi đất nước này hoạch định tương lai dân chủ cho nhân dân Bangladesh.”
Ông Miller thông báo Đại biện lâm thời Helen LaFave - quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại quốc gia Nam Á - đã dự lễ tuyên thệ nhậm chức và giữ liên lạc với Chính phủ lâm thời Bangladesh.
Từ Brussels, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Ông Borrell chia sẻ: “EU hy vọng hợp tác với chính quyền mới và hỗ trợ quá trình chuyển tiếp đặc biệt quan trọng này, vốn sẽ là một phần của tiến trình hòa bình và bao dung có nền tảng là năng lực quản trị tốt, các giá trị dân chủ và tôn trọng nhân quyền.”
Nhiệm vụ chính của ông Yunus hiện nay là khôi phục ổn định ở Bangladesh và chuẩn bị cho những cuộc bầu cử mới.
Ông Yunus, 84 tuổi, được bổ nhiệm lãnh đạo chính phủ lâm thời sau khi những sinh viên biểu tình đề cử ông vào vai trò này.
Quá trình chuyển tiếp ở Bangladesh diễn ra ngay sau tình trạng bất ổn chính trị căng thẳng dẫn đến việc Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời đến Ấn Độ trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng từ những người biểu tình./.