Chính phủ Đức thúc đẩy cải cách quy định về tị nạn tại châu Âu

Ngày 24/3, tại Berlin, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã có cuộc họp với những người đồng cấp từ 5 quốc gia khác trong Liên minh châu Âu nhằm thảo luận vấn đề cải cách chính sách di cư và tị nạn.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 24/3, tại Berlin, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã có cuộc họp với những người đồng cấp từ 5 quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) gồm Thụy Điển, Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ, nhằm thảo luận vấn đề cải cách chính sách di cư và tị nạn của EU.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Nancy Faeser nhấn mạnh rằng mục tiêu của Chính phủ Đức là đạt được thỏa thuận về cải cách chính sách di cư và tị nạn của châu Âu trước khi kết thúc nhiệm kỳ lập pháp hiện tại. Việc cải cách này chỉ có thể thành công nếu tất cả các quốc gia EU sẵn sàng thỏa hiệp.

Bộ trưởng Faeser cho rằng đoàn kết và trách nhiệm phải là trọng tâm của chính sách di cư chung. Các quốc gia EU đang chịu áp lực lớn về người di cư và tị nạn cần phải được hỗ trợ thông qua việc phân bổ công bằng hơn những người di cư.

Đồng thời, tất cả các quốc gia thành viên EU phải nỗ lực để giúp giảm tình trạng di cư bất hợp pháp, ví dụ thông qua sàng lọc và tiếp nhận người di cư ngay từ biên giới.

Bộ trưởng Faeser kêu gọi các nước sớm đạt được thỏa thuận về cải cách Hệ thống Tị nạn chung châu Âu, đồng thời cảnh báo rằng trong trường hợp ngược lại, quyền tự do đi lại trong khu vực Schengen sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Cơ sở thỏa thuận là các đề xuất của Ủy ban châu Âu về cải cách chính sách tị nạn và di cư từ tháng 9/2020.

[Vấn đề người di cư: UNHCR đánh giá về dự luật mới của Anh]

Vấn đề người di cư và tị nạn vẫn gây tranh cãi quyết liệt giữa các quốc gia EU những năm qua và đến nay các nước vẫn chưa thống nhất được giải pháp chung.

Là điểm đến mong muốn hàng đầu của số lượng lớn người di cư và tị nạn, nước Đức đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là việc giảm thiểu tình trạng "di cư thứ cấp" trong nội bộ EU.

Các quốc gia có biên giới bên ngoài như Italy, muốn có thêm sự đoàn kết từ các quốc gia thành viên khác. Tuy nhiên, nhiều quốc gia không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn./.

Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)