Chính phủ của tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier: Khó khăn nhiều, sức ép lớn

Sau hơn 2 tháng không có chính phủ, nước Pháp đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết nhanh chóng, đây là khó khăn, sức ép lớn với Chính phủ của tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu tại Paris ngày 5/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau 2 tuần đàm phán khó khăn và nhiều lần trì hoãn, cuối cùng thành phần chính phủ của tân Thủ tướng Michel Barnier đã được chính thức công bố.

Tổng cộng có 39 chức vụ bộ trưởng thực quyền, bộ trưởng ủy nhiệm và quốc vụ khanh được phân bổ giữa đảng Những người Cộng hòa (LR) của Thủ tướng Michel Barnier, các đảng thuộc đa số mãn nhiệm ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron, gồm Phục hưng (Renaissance), Phong trào Dân chủ (Modem) và Những chân trời (Horizons) cùng một vài đảng nhỏ hơn.

Với sự tham gia của nhiều đảng như vậy, chính phủ của Thủ tướng Barnier đã trở thành một liên minh cầm quyền chưa từng có dưới thời Đệ ngũ Cộng hòa Pháp. Trong số 16 bộ trưởng chính thức có 3 thành viên của đảng LR, phần còn lại chủ yếu là các thành viên thuộc phe ủng hộ Tổng thống Macron.

Như vậy, liên minh cầm quyền có thể nhận được sự ủng hộ của 235 đại biểu, cách xa đa số tuyệt đối cần thiết 289 đại biểu trong trong Quốc hội gồm 577 ghế.

Điều này cho thấy một sự thật rằng thay vì đảm bảo được sự ổn định và lâu dài, liên minh này có thể gặp những nguy cơ thường trực trong quá trình điều hành đất nước.

Theo Thượng nghị sỹ Patrick Kanner, Chủ tịch nhóm Xã hội trong Thượng viện Pháp, đây là sự chuyển đổi “từ một êkíp trung hữu và cánh hữu sang một êkíp cánh hữu và trung hữu khác.”

Thậm chí chính phủ mới còn thiên hữu hơn so với chính phủ tiền nhiệm của ông Gabriel Attal khi hầu hết các bộ trưởng mới của LR đều nổi tiếng với quan điểm rất bảo thủ.

(Tư liệu) Ông Michel Barnier phát biểu họp báo tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dù từng nhiều lần tuyên bố sẽ không tham gia bất cứ chính phủ nào và trên thực tế chỉ giành vị trí thứ năm trong cuộc bầu cử sớm đầu tháng 7, LR đã chiếm tới 10 vị trí trong liên minh cầm quyền, trong đó có vị trí thủ tướng và một vị trí quan trọng khác là bộ trưởng Nội vụ (ông Bruno Retailleau).

Xuất hiện với số đông, phe của Tổng thống Macron giành các vị trí quan trọng hàng đầu trong chính phủ, gồm các bộ châu Âu và Ngoại giao (ông Jean-Noël Barrot); Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp (ông Antoine Armand); Quân đội và Cựu chiến binh (ông Sébastien Lecornu); Chuyển đổi Sinh thái, Năng lượng, Khí hậu.

Những nhân sự này sẽ tiếp tục đảm bảo ảnh hưởng của Tổng thống Macron trong liên minh cầm quyền.

Thành phần chính phủ mới được công bố trong bối cảnh diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình do cánh tả và các hiệp hội, nghiệp đoàn tổ chức tại nhiều thành phố lớn như Paris, Marseille, Bordeaux, Toulouse…

Cánh tả cho biết phong trào biểu tình sẽ được tiếp tục trong những ngày tới để phản đối việc Tổng thống Macron bỏ qua vai trò của Mặt trận Bình dân mới (NFP), lực lượng giành vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử sớm, và bổ nhiệm thủ tướng và chính phủ mới thiên hữu.

Cuối tháng 8, Tổng thống Macron đã từ chối bổ nhiệm bà Lucie Castets, ứng cử viên do NFP thống nhất đề cử vị trí thủ tướng. Do vậy, việc bổ nhiệm ông Michel Barnier không chỉ là “sự quay lưng lại với lực lượng chính trị dẫn đầu trong cuộc bầu cử lập pháp” khiến cánh tả vô cùng bất mãn mà còn đánh dấu sự cáo chung của “Mặt trận Cộng hòa,” một liên minh được hình thành tạm thời trước vòng hai của cuộc bầu cử để ngăn chặn phe cực hữu lên ngôi số một.

Sau khi thành lập chính phủ, Thủ tướng Barnier sẽ phải gấp rút tham vấn và đàm phán với các đảng trong liên minh để có thể chính thức công bố một chính sách tổng thể và dung hòa vào ngày đầu tháng 10, khi Quốc hội Pháp bắt đầu các phiên họp thường lệ.

Trước đó, ông cho biết chính phủ sẽ dành ưu tiên cho các vấn đề cải thiện mức sống của người dân và hoạt động của các dịch vụ công, đảm bảo an ninh và kiểm soát nhập cư, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân, nâng cao sức hút cho nền kinh tế Pháp và đặc biệt là kiểm soát tài chính và xử lý nợ công.

Sau hơn 2 tháng không có chính phủ, nước Pháp đang đứng trước rất nhiều vấn đề cấp bách và hóc búa cần phải giải quyết nhanh chóng. Trước hết là bài toán cân bằng ngân sách, Pháp bắt buộc phải giảm thâm hụt từ mức thực tế khoảng 6% trong năm nay xuống thấp dần qua các năm và chỉ còn dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2027 nếu không muốn bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt.

Áp lực là rất lớn khi Thủ tướng Barnier cam kết sẽ không tăng thuế nhằm vào các tầng lớp trung lưu và người lao động. Tăng thuế là điều “cấm kỵ” đối với các đảng ủng hộ Tổng thống Macron.

Vấn đề thứ hai liên quan đến tương lai của cải cách hưu trí, vốn cũng là một “lằn ranh đỏ” mà đảng Phục hưng của Tổng thống Macron đã đặt ra khi tham gia liên minh cầm quyền.

Trong khi Thủ tướng Barnier muốn người lao động nghỉ hưu ở tuổi 64 như luật cải cách hưu trí đã được thông qua, liên minh cánh tả và phe cực hữu lại muốn tìm mọi cách để bãi bỏ dự án quan trọng này.

Một thách thức lớn nữa chính là lợi ích của người nông dân, một vấn đề có thể lại gây bùng nổ xã hội bất cứ lúc nào. Những bức bối chưa được giải quyết thấu đáo sau phong trào phản kháng kéo dài vừa qua, người nông dân đang chờ đợi chính phủ có những biện pháp giảm thuế, cho vay ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nới lỏng các quy định sinh thái-môi trường.

Tất cả diễn ra khi chính phủ phải công bố Dự luật Ngân sách 2025 trong tháng 10, với hàng loạt mức cắt giảm thuộc tất cả các lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và nợ công của EU.

Chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier cũng sẽ phải khẩn trương xem xét tình hình kinh tế đang đứng trước nguy cơ sụp đổ của vùng lãnh thổ New Caledonia. Kể từ khi xảy ra các cuộc bạo loạn, nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và hạ tầng kinh tế địa phương đã bị hủy hoại nghiêm trọng.

Chính phủ tiền nhiệm đã nâng mức hỗ trợ khẩn cấp cho New Caledonia lên 400 triệu euro nhưng điều đó là không đủ. Cuối tháng 8, cơ quan lập pháp địa phương đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu Nhà nước Pháp hỗ trợ 4,2 tỷ euro để xây dựng lại quần đảo.

Một khoản tiền quá lớn khi Pháp đang bị đẩy vào tình thế buộc phải tiết kiệm từng đồng. Chưa hết, Thủ tướng Barnier cũng phải nỗ lực sớm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quần đảo này, trong khi phe ly khai vừa bầu ra một người có đường lối cứng rắn đứng đầu Mặt trận Giải phóng dân tộc Kanak (FLNKS) - một liên minh đang đòi rút lại cuộc các đề xuất cải cách bầu cử vốn châm ngòi cho cuộc xung đột tại địa phương.

Có vô số khó khăn và thách thức đặt ra cho liên minh mới thành lập. Không có hoa hồng, chỉ có những chông gai bày ra trên chặng đường trước mắt: một đất nước thâm hụt ngân sách và nợ công nặng nề, một tổng thống trên đà suy yếu bởi chính các quyết định của mình, một quốc hội bị chia rẽ thành 3 khối với sự bất mãn của cánh tả và thái độ chờ thời của phe cực hữu, một xã hội phân mảnh bởi những tầm nhìn khác biệt.

Câu hỏi được đặt ra là một thủ tướng đến từ phe thiểu số có thể làm gì để lãnh đạo một liên minh “kiểu Đức” vượt qua chừng ấy khó khăn?./.