Chile tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới
Giới phân tích cho rằng các cử tri cũng có thể coi cuộc bỏ phiếu như một cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống trẻ tuổi nhất của Chile, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đối với nhà lãnh đạo này đã giảm mạnh.
Ngày 4/9, người dân Chile đi bỏ phiếu về việc có hay không thông qua một hiến pháp mới có tầm ảnh hưởng sâu rộng sẽ làm thay đổi cơ bản đất nước Nam Mỹ này.
Dự thảo hiến pháp được đề xuất nhằm thay thế cho văn kiện đã được sử dụng từ thời chế độ độc tài Augusto Pinochet hơn 40 năm trước.
Trong nhiều tháng, các cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy lợi thế rõ rệt của bên không ủng hộ, nhưng cách biệt đang ngày càng thu hẹp, mang lại hy vọng cho những người ủng hộ dự thảo hiến pháp mới.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ có tác động lớn đến Tổng thống Gabriel Boric, 36 tuổi, một trong những người đề xướng chính hiến pháp mới.
[Tổng thống Chile trẻ nhất cam kết thúc đẩy phát triển xã hội]
Giới phân tích cho rằng các cử tri cũng có thể coi cuộc bỏ phiếu như một cuộc trưng cầu dân ý về vị tổng thống trẻ tuổi nhất của Chile, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đối với nhà lãnh đạo này đã giảm mạnh kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Ba.
Việc soạn thảo hiến pháp mới là 1 trong những yêu cầu lớn nhất của người dân Chile và cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình lớn tại Chile trong suốt thời gian dài từ cuối năm 2019, do cho rằng hiến pháp hiện tại là nguyên nhân dẫn tới những bất công xã hội.
Dự thảo hiến pháp mới được 154 thành viên quốc hội soạn thảo trong 1 năm rưỡi qua. Tổng thống Boric khẳng định người dân sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về sự cần thiết phải bắt đầu 1 giai đoạn mới của đất nước.
Ông cũng cho rằng đây là một công việc cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn, đồng thời nhấn mạnh các thế hệ tương lai sẽ là những người được hưởng thành quả từ những nỗ lực thay đổi hiện nay./.